Hai hình ảnh trong một con người
Chơi bóng, ăn bánh bao hấp và luôn có một cái ô bên mình, giới quan sát cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc trên đỉnh cao quyền lực nhưng vẫn đang tìm cách xây dựng hình ảnh của một nhà lãnh đạo gần dân trong một năm cầm quyền vừa qua.
![]() Nguồn: AP |
Với một lý lịch không thể hoàn hảo hơn, ông Tập Cận Bình được coi là một trong những chính khách có triển vọng và có sẵn lộ trình thăng tiến trên chính trường Trung Quốc. Trong năm đầu lãnh đạo cường quốc đông dân nhất thế giới này, ông đã chủ trương xây dựng hai hình ảnh trong một con người – đó là hình ảnh một người cứng rắn trong các vấn đề đối ngoại, mạnh tay với nạn tham nhũng và hình ảnh người bình dị, gần dân. Có vẻ như Chủ tịch Tập Cận Bình đã khá thành công khi thể hiện hai hình ảnh này, đặc biệt là hình ảnh thứ hai, khi người dân gọi ông một cách thân mật là Xi Dada hay Big Xi (tạm dịch là Đại Tập Cận Bình). Các chuyên gia cho rằng để vượt qua cái bóng nguyên thủ cứng nhắc của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình chỉ cần một chút “bình dị” trên cương vị mới đã có thể tạo ra một sự khác biệt lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, trong một năm qua, chính khách có vợ là một ca sỹ có hàm tướng và con gái đang theo học tại Đại học Harvard danh tiếng của Mỹ đã làm được nhiều hơn thế.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã khéo léo thể hiện sở thích đối với bóng đá – môn thể thao vua của thế giới và có khả năng gắn kết con người, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội. Theo Wang Wen, Chủ tịch Hội cổ động viên bóng của CLB Beijing Guoan, các thành viên cảm thấy hết sức thoải mái khi chia sẻ quan điểm bóng đá với Chủ tịch Tập Cận Bình và cũng chung nhận xét rằng ông là fan cuồng nhiệt. Wang Wen đánh giá nhà lãnh đạo của mình là một người bình dị qua thái độ đối với bóng đá. Ông đã thể hiện kỹ năng chơi bóng của mình tại Công viên Croke ở Dublin trong khuôn khổ chuyến thăm Ireland hồi năm 2012.
Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có nhiều chuyến vi hành, trong đó gây ấn tượng nhất có lẽ là lần ông tới Tiệm bánh bao Quingfeng nổi tiếng hồi tháng 12 năm ngoái, và đã trả 21 Nhân dân tệ (khoảng 3,5 USD) cho một bữa ăn nhẹ gồm bánh bao nhân thịt, rau và gan lợn rán. Vào thời điểm đó, trên internet có nhiều ý kiến chế nhạo hành động này của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, phản ứng của đa số người dân lại hoàn toàn ngược lại. Theo bà Yu Ming, một người dân sống gần tiệm bánh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới đây vì ông muốn hòa mình vào cuộc sống của những người dân bình thường. Tháng trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng xuất hiện đầy ngụ ý khi mức độ ô nhiễm khói bụi tại thủ đô Bắc Kinh lên mức đáng báo động khiến không ít người dân phẫn nộ. Ông đã tản bộ trên Nanluoguxiang – một trung tâm mua sắm và tập trung nhiều tiệm cà phê - mà không mang khẩu trang nhưng có phóng viên hình đi kèm. Ngay lập tức, trên các trang mạng xã hội xuất hiện các comment kiểu: Cùng hít thở bầu không khí, cùng chia sẻ định mệnh. Cư dân mạng bình luận rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình đang theo gương Chủ tịch Mao Trạch Đông – người đã bơi trên sông Dương Tử (Yangtze) cách đây khoảng 50 năm. Không dừng ở đó, trên internet cũng xuất hiện những bức ảnh về ông Tập Cận Bình với hai ống quần xắn lên và tay cầm một chiếc ô trong chuyến khảo sát một cảng sông giữa trời mưa. Những điều này đã tạo dựng nên hình ảnh của một nhà lãnh đạo đời thường, gần gũi từ đó góp phần củng cố uy tín của ông.
Chủ tịch Tập Cận Bình vừa đánh dấu tròn một năm Chủ tịch nhậm chức (14.3.2013-2014) và giới phân tích quốc tế đánh giá về cơ bản, nhà lãnh đạo này đã đạt các mục tiêu trong chính sách đối nội và đối ngoại, đó là chống tham nhũng và thể hiện thái độ cứng rắn trong các vấn đề chủ quyền. Về đối nội, ưu tiên số 1 của ông Tập Cận Bình, cũng như với bất kỳ lãnh đạo nào của Trung Quốc, là củng cố quyền lực. Trong những tháng đầu trên cương vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản, Tập Cận Bình đã nêu rõ chống tham nhũng sẽ là một nội dung chính trong chính sách đối nội, cam kết quét sạch cả hổ và ruồi trong đảng. Bạc Hy Lai là hổ lớn đầu tiên cùng nhiều ruồi trong quân đội và nội bộ đảng bị bắt. Ít nhất 11 lãnh đạo cấp bộ trưởng hoặc tỉnh trưởng đã bị bắt trong năm cầm quyền đầu tiên của Tập Cận Bình. Về vấn đề đối ngoại, bức tranh phức tạp hơn. Tập Cận Bình lên nắm quyền gần như đồng thời với Thủ tướng Shinzo Abe ở Nhật Bản. Dù có một số điểm tương đồng, song hai nhà lãnh đạo này đang thực hiện những bước đưa quan hệ Trung-Nhật đến mức gần như đóng băng. Tranh chấp tại biển Hoa Đông liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một biểu hiện trong cách xử lý quan hệ với các láng giềng của Trung Quốc. Việc lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông hồi tháng 11.2013 theo Chủ tịch Tập Cận Bình là cách giải quyết vấn đề phù hợp. Trong năm đầu tiên nắm quyền, nhà lãnh đạo này đã không ngần ngại kiên quyết khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông, biển Đông và điều này có thể sẽ không thay đổi trong tương lai. Chủ tịch Tập Cận Bình đang hướng tới xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo gần dân và một nguyên thủ cứng rắn trên trường quốc tế.