Hải Dương tập trung phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19

- Chủ Nhật, 04/04/2021, 19:25 - Chia sẻ
Ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế, toàn hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương đã bắt tay ngay vào việc phục hồi sản xuất, kinh doanh...

“Nóng” câu chuyện công - nông

Từ đầu tháng 3, huyện Thanh Hà đã tích cực tìm đầu ra cho quả vải địa phương. Xác định việc tiêu thụ năm nay chắc chắn khó khăn hơn mọi năm do tâm lý “dè dặt” của người tiêu dùng đối với nông sản Hải Dương. Phản hồi của doanh nghiệp về khá tích cực, khi nhiều hợp đồng ký với phía nước ngoài lên tới gần 10 nghìn tấn... Theo báo cáo của UBND huyện, hiện địa phương này đang có gần 3.500 ha vải sản xuất. Năm nay do thời tiết thuận lợi nên sản lượng dự kiến đạt 40 nghìn tấn (trong đó có có 25 nghìn tấn vải sớm, 15 nghìn tấn vải chính vụ), tăng khoảng 12 nghìn tấn so với năm ngoái. Huyện đang duy trì 17 vùng vải với diện tích 155,2 ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản... và tiếp tục xây dựng 17 vùng với diện tích 245 ha. Các vùng vải này sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Hải Dương chuẩn bị phương án tiêu thụ cho quả vải Thanh Hà
Hải Dương chuẩn bị phương án tiêu thụ cho quả vải Thanh Hà. (Ảnh nguồn ITN)

Ở một diễn biến khác, ai hiểu rõ Hải Dương đều nhận thấy, kinh tế vĩ mô tỉnh khá ổn định, và cộng đồng DN tự tin cho rằng đó là nền tảng để không mất nhiều thời gian để đưa mọi việc trở lại quỹ đạo. Mới đây, UBND tỉnh này vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án khu công nghiệp (KCN) diện tích 180 ha, tổng vốn đầu tư 1.947 tỷ đồng cho Tập đoàn An Phát Holdings. ​Việc trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngay sau đại dịch đã chứng minh Hải Dương khá chủ động và nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm thu hẹp lại khoảng cách với cả nước sau nhiều tháng kinh tế đình đốn. Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành liên quan khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp triển khai xây dựng hạ tầng sớm đưa KCN vào hoạt động. Được biết, KCN An Phát 1 được định hướng trở thành KCN kỹ thuật cao, thân thiện môi trường, nơi thu hút nhà đầu tư từ nhiều lĩnh vực như điện tử, thực phẩm và đồ uống (F&B), nhựa,...; là điểm sáng thu hút đầu tư trong nước và quốc tế đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương.

Đối với những điểm nóng công nghiệp trong đỉnh dịch như Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn… công tác kiểm soát sau dịch bệnh với mục tiêu cao nhất là bảo toàn tuyệt đối sức khỏe của nhân dân và người lao động được triển khai cẩn trọng, không cho phép sai số tới từng phân xưởng, tổ đội. Dù dịch Covid-19 từng bước được khống chế, đẩy lùi song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không được phép lơ là một giây phút nào. Bởi chính người lao động cũng không thể ngờ nơi mình làm việc là ổ dịch và bản thân họ cũng không biết mình nhiễm bệnh rồi lây cho người khác.

Không để thời gian có độ trễ

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của UBND tỉnh Hải Dương mới đây, thường trực UBND tỉnh đều nhấn mạnh bước sang quý II, sau khi khống chế thành công dịch COVID-19, Hải Dương đã chuyển nhanh sang giai đoạn bình thường mới. Các sở, ngành, địa phương phải tăng cường phối hợp, khẩn trương có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh; đảm bảo đời sống cho người dân; xây dựng kịch bản phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới nhưng không được lơ là các biện pháp phòng, chống dịch.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Hồng Diên cho biết, trong 3 tháng đầu năm, dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 nhưng Hải Dương vẫn có những bước phát triển kinh tế, xã hội đáng ghi nhận. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 5.959 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng ước đạt 56.336 tỷ đồng... Đáng phấn khởi là Hải Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 36 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2020. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 91,5 triệu USD, bằng 80% so với cùng kỳ.

Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương là những tháng còn lại của năm 2021, sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân đảm bảo sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm; có kịch bản ứng phó với tình huống phải cách ly nhằm đảm bảo vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh. Trong đợt giải cứu nông sản vừa qua, tỉnh xác định đây là thời điểm khó khăn nhưng cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, giá trị, chất lượng của thương hiệu nông sản Hải Dương với thị trường, nhất là với các tỉnh bạn, đặc biệt là Hà Nội, Bắc Ninh và các địa phương lân cận. Hội Nông dân tỉnh đã đề xuất các ngành, địa phương trong tỉnh chỉ đạo các cấp tuyên truyền tới từng người dân tại các vùng sản xuất, trước tiên hãy lựa chọn, chỉ cung cấp những sản phẩm đảm bảo chất lượng cho các đơn vị, cá nhân thu gom mang đi tiêu thụ, không cung cấp những sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, làm ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị của nông sản Hải Dương.

Cơ quan chức năng sẽ thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, vận chuyển và lưu thông hàng hóa, nhất là với ngành sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Hải Dương tăng cường quản lý đầu tư, tập trung hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu và thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án lớn và các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, kết nối liên tỉnh; đẩy nhanh quy hoạch, đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Nam Anh