Hai diện mạo đối lập

12/08/2007 00:00

Tỷ lệ tăng trưởng GDP ấn tượng của các quốc gia châu Á trong thời gian qua đã mang lại cho châu lục hai diện mạo hoàn toàn đối lập. Nếu ở bên này, ai cũng thấy một châu Á rạng ngời với những thành phố lộng lẫy, thì ở bên kia, người ta cũng không thể làm ngơ trước vẻ khắc khổ của những cộng đồng dân nghèo.

      Trong hai thập kỷ qua, kinh tế châu Á đã đạt được tốc độ phát triển nhanh. Theo số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2000, GDP trên đầu người của giai đoạn 1990- 2005 nói chung đã tăng từ 424 USD lên 1.030 USD/năm, tức tăng 6%/năm. Đông Á đạt tăng trưởng cao nhất ở mức trên 9% với sự dẫn đầu của Trung Quốc. Còn Đông Nam Á tuy trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 cũng đạt tăng trưởng 3,2%. Nam Á tuy chỉ đạt được tăng trưởng 3,8% nhưng con số này cũng cho thấy sự phát triển vượt bậc của khu vực so với quá khứ. Đây quả là con số chưa từng có trong lịch sử phát triển của châu Á.
      Không thể phủ nhận rằng tốc độ phát triển nhanh đã làm giảm tỷ lệ nghèo đói trong khu vực. Cũng theo báo cáo của ADB, tỷ lệ nghèo đói (mức sống 1 USD/ngày) trong giai đoạn 1990- 2005 đã giảm từ 34,6% xuống còn 18%. Nhưng số dân sống chỉ với 2 USD/ngày vẫn còn rất cao. Nếu lấy mức 2 USD là chỉ số đánh giá mức nghèo thì tỷ lệ nghèo đói chỉ giảm từ 75% xuống 51,9%, mà điều đó có nghĩa là hơn một nửa châu Á vẫn sống trong những điều kiện khó khăn. Bản nghiên cứu năm 2005 của ADB cho thấy GDP trên đầu người tính theo tỉ giá USD năm 2000 tại các nước đang phát triển châu Á thấp hơn 3% so với ở Nhật và Mỹ. Ngay cả Trung Quốc, đất nước đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP/đầu người 9% trong suốt hơn 20 năm, con số này cũng chỉ bằng 3,7% của Nhật và 3,9% của Mỹ. Điều này cho thấy các nước phát triển châu Á còn cả một chặng đường dài phía trước mới có thể bắt kịp mức thu nhập bình quân của các nước phát triển.
      Không những thế, các nước đang phát triển châu Á còn phải đối mặt với một sức ép lớn hơn: đó là tình trạng những lợi ích của tăng trưởng kinh tế ấn tượng không được phân chia một cách đồng đều. Theo dự đoán, nếu xu hướng bất bình đẳng này vẫn còn tiếp diễn và không được kiểm soát, vào năm 2020, châu Á sẽ sở hữu một lượng dân số lớn sống trong điều kiện khốn cùng. Sự phát triển chậm đi cùng với sự phân chia lợi ích xã hội thiên về tầng lớp giàu sẽ làm cho 1.567 triệu người phải sống trong mức dưới 2USD/ngày vào năm 2020 và 72% trong số đó sống ở Nam Á.
      Để đối mặt với nguy cơ này, trước hết phải nhờ đến vai trò của ADB. Các chuyên gia kinh tế cho rằng ADB cần mở rộng thêm các chương trình phát triển của mình đến các đối tượng cực nghèo chứ không nên chỉ dừng ở việc nâng cao điều kiện sống của phần đông những người cảm thấy thiệt thòi trước sự phân chia cơ hội không đồng đều. Một chiến lược phát triển tổng quát sẽ giúp châu Á không những hoàn thành nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo mà còn giải quyết được những vấn đề pháp lý xuất pháp từ bộ phận dân số đáng quan tâm này.

Thu Trang

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hai diện mạo đối lập
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO