Hai cuộc đời, một số phận

Nguyên Lê 06/11/2016 08:12

Hai nghệ sĩ gạo cội ở hai đầu Nam Bắc, cùng kiên gan bám trụ nghề ở tuổi “ngoại bát thập”, không hẹn mà cùng ra đi vì căn bệnh ung thư gan. Kẻ được phong “danh hài”, người được gọi là “sầu nữ”, và bấy nhiêu, với họ là đủ, hơn là các danh hiệu “trống giong cờ mở” khác...

Đúng là chẳng hẹn mà cùng, tuần qua, giới sân khấu phía Nam và phía Bắc đã phải ngậm ngùi chia tay hai tên tuổi lớn của làng kịch: NSƯT Út Bạch Lan - “cây đại thụ của làng cải lương” và NSƯT Phạm Bằng - gương mặt gạo cội của sân khấu kịch nói Thủ đô và cây hài nổi tiếng trên sóng truyền hình.

Hai cuộc đời, một số phận, giống mà khác, khác mà giống...

Sinh ra vào thời buổi ly tán, loạn lạc, cả hai nghệ sĩ lão thành đều từng phải trải qua quãng đời niên thiếu thiệt thòi, lam lũ. Cả hai đều từng chịu cảnh cha mất sớm, người mẹ trẻ vì thương con mà quyết ở vậy, bấm bụng nuôi các con khôn lớn trong cảnh “giật gấu vá vai”. Riêng nghệ sĩ Út Bạch Lan còn phải cùng mẹ trải qua những năm tháng đắng cay của đời hát rong, trước khi có được một chỗ ngời sáng trên sân khấu cải lương chuyên nghiệp.

Sáu, bảy chục năm làm nghề, hai nghệ sĩ lão thành đều tạo được trong lòng công chúng và đồng nghiệp vị trí riêng của mình cả về tài năng lẫn nhân cách sống. Tựa hai người mẹ giàu đức hy sinh của mình, hai nghệ sĩ cũng đều từ chối đi bước nữa để dồn hết tình thương yêu cho con và cho nghề, khi không may mất đi người bạn đời của mình (vợ nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời cách đây hơn 10 năm, còn cuộc hôn nhân ngắn ngủi của cặp nghệ sĩ cải lương nức tiếng Thành Được - Út Bạch Lan chỉ kéo dài vẻn vẹn chưa đến 5 năm). Chưa đến 5 năm, nhưng điều mà “sầu nữ cải lương” làm được đã vượt xa cả đạo vợ chồng và có lẽ hiếm người phụ nữ nào trên đời này làm được: Một người đàn bà tài sắc, đức độ vẹn toàn, không thiếu người theo đuổi, lại lặng lẽ nhận về những đứa con rơi của chồng để tự tay chăm sóc, nuôi nấng chúng nên người...

Cả một đời làm nghề cặm cụi, tận đến cuối đời, họ vẫn giữ trọn ngọn lửa nghề, cả khi sân khấu, từ cải lương đến kịch nói đều lần lượt rơi vào cảnh “chợ chiều”. Vài tháng trước khi mất, đồng nghiệp vẫn chứng kiến cảnh “gã sếp hói đầu” Phạm Bằng tự tay lái xe máy đến điểm diễn, ở tuổi 85, dù sức khỏe đã mấy lần báo động. Tương tự, nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan cũng vẫn còn suất tập cuối cùng trên sàn diễn, chỉ cách có 3 ngày trước khi bệnh trở nặng và một tuần sau thì trút hơi thở cuối cùng...

Hai người nổi tiếng, người thì chuyên lấy nước mắt khán giả, người chuyên mang lại tiếng cười, trụ lại rất lâu trong nghề, được nhiều thế hệ khán giả biết đến nhưng lại sống một cuộc đời giản dị, luôn tránh làm phiền người khác hết sức có thể, kể cả các con nuôi, con đẻ của mình. Bước ra khỏi hào quang sân khấu Phạm Bằng ngoài đời là chủ một hàng bánh trôi nổi tiếng trên phố cổ. Những lúc không đi diễn, trong căn quán nhỏ đơn sơ, người nghệ sĩ nổi tiếng liên tay múc từng bát lục tầu xá, chí mà phù... nóng hổi phục vụ khách, giữa những đêm đông giá lạnh. Còn nghệ sĩ Út Bạch Lan thì hàng chục năm qua đã quy y nhà Phật, ăn chay trường, sống thanh đạm, thường xuyên đi hát từ thiện, hát chùa để giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó từng là phần ký ức ám ảnh trong bà...

Những cuộc đời bình dị, đủ để họ không buồn màng đến danh hiệu như cả hai cùng tâm niệm: “Sống trong lòng công chúng là toại nguyện rồi”. Dù với bạn nghề và người hâm mộ, họ đã là những NSND theo đúng nghĩa...

Nếu có chút gì đó “sân si” chăng nữa thì cũng đều là những “sân si” đẹp: Mong tìm lại được những giá trị tốt đẹp từng thuộc về một thời quá vãng vàng son, nay đã mất hoặc đang dần mai một - điều chỉ có thể có ở những người yêu nghề, yêu đời đến “cạn kiệt tơ lòng”. Như “sầu nữ” Út Bạch Lan từng nói: “Tôi vẫn thường cầu mong ơn trên cho tôi được trúng số độc đắc. Nếu trúng được 6 - 7 tỷ, tôi sẽ đầu tư dựng lại một sân khấu đẹp như thời trước, để cùng các đồng nghiệp, diễn viên trẻ tái dựng không khí của một thời...”. Còn nghệ sĩ Phạm Bằng thì đau đáu: “Tôi là người Hà Nội gốc. Với tôi, tất cả những gì thuộc về “ngày xưa” đều đẹp đến khắc khoải. Nếu được chọn, tôi muốn được sống như ngày xưa, phố phường đẹp, con người đẹp, làm gì cũng hết mình. Và “ngày xưa” của tôi còn là một gia đình với đầy đủ thành viên...”.

Tiễn biệt hai người hiền vào cõi thiên thu, tôi chỉ muốn gửi theo họ một ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm, khi viết về nhân dân trong bài thơ “Đất nước”: “Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm”... 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hai cuộc đời, một số phận
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO