Hạc vàng, mây trắng rồi sẽ bay về!
(ĐBND Xuân Mậu Tuất)- Những chiếc khung thêu nằm im lìm dưới nắng. Bức tranh tổ ấm có bầy hạc đang bay về phía mặt trời bị phủ lớp bụi thời gian... Trong nhiều ngôi nhà ở làng Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội, người ta không còn nhắc nhiều đến nghề thêu từng một thời là niềm tự hào của mảnh đất này. Thế nhưng, đâu đó vẫn có người đang âm thầm níu giữ nghề truyền thống của cha ông...
Hạc vàng, mây trắng đi đâu?
Bà Bùi Thị Mão năm nay hơn 80 tuổi sinh ra, lớn lên, lập gia đình đều ở làng Quất Động. Bà có thói quen phơi chiếc khung thêu bằng gỗ vào những hôm trời nắng. Cái khung được làm từ 2 cây tre già, màu đen nhánh, chắc nịch, đục hai đầu và đẽo ở giữa thân... đã bắt đầu bị mối xông. Đám cháu bảo vứt đi, nhưng bà không chịu. Bà bảo, đó là nghề của tổ tiên, phải giữ cho sau này...
Anh Bùi Lê Thuần là con trai thứ của bà Mão. Gia đình có 5 anh em, ai cũng là những tay kim cự phách một thời. Anh Thuần có thâm niên hơn 40 năm thêu hàng sang xuất Nhật Bản. Dưới tay người đàn ông chạc 50 tuổi kia là những rồng, những phượng từng một thời múa lượn; nào mây, nào nước tựa tranh thủy mặc được vẽ ra từ chỉ. Anh Thuần đã bỏ nghề hơn dăm năm nay, cần mẫn học thêm nghề sửa chữa điện để nuôi sống gia đình. Nhưng trong ánh mắt của người thợ thêu lành nghề ấy vẫn không thôi ánh lên niềm say mê mỗi khi ai đó nhắc tới thêu thùa...
![]() |
Gia đình bà Mão và anh Thuần không phải cá biệt ở Quất Động, nơi sinh ra nghề thêu truyền thống của Việt Nam. Cả làng trước kia hầu như ai cũng biết thêu. Từ trẻ tới già, trai hay gái, ai ai cũng căng khung, xâu kim, pha màu chỉ, thêu nên những bức tranh thiên nhiên, chim muông, hoa lá... sinh động.
Làng nghề thời hoàng kim
Người dân làng Quất Động tự hào kể cho nhau nghe những huyền tích quanh câu chuyện vị quan đời Lê có tên là Lê Công Hành (1606 - 1661) sau khi đi sứ phương Bắc, đã mang nghề thêu thùa về truyền dạy cho nhân dân làng mình, rồi lan rộng ra các xã xung quanh như: Nguyên Bì, Đông Cứu, Nguyên Đào, Bình Lăng... Những xã được truyền nghề, sau này dựng chung đền thờ ông ở thôn Hướng Xá, gọi là đền Ngũ Xã. Giỗ ông vào ngày 12.6 âm lịch, nhiều vùng đã lấy ngày mất của ông làm ngày giỗ Tổ nghề thêu. Ngót 300 năm, từ cái nôi làng nghề này, nghề thêu đã phát triển và có mặt khắp nơi trong cả nước, sản phẩm được ứng dụng rất nhiều trong đời sống, trở thành một phần trong văn hóa của người Việt.
Ngày trước thợ thêu Hà Nội phần lớn là người ở Quất Động ra kinh thành lập phường nghề. Từ thế kỷ XIX về trước, chợ Hàng Lọng (phố Lê Duẩn bây giờ) bày bán các mặt hàng thêu. Khi người Pháp sang, đô thị phát triển, mở rộng những phố hàng, hàng thêu được bày bán ở nhiều nơi trên đất Kẻ chợ. Và một ngôi đền mới được dựng lên để tưởng niệm cụ tổ nghề thêu mang tên Tú Thị với ý nghĩa là đình chợ thêu (Tú là thêu, Thị là chợ). Hơn 100 năm qua, đền xưa vẫn mang dáng vẻ cổ kính, được nhân dân trong vùng thờ phụng hương khói quanh năm…
“Để thêu giỏi không dễ”
Những ký ức về sự hưng thịnh của nghề thêu được người dân làng Quất Động nói chung và anh Bùi Lê Thuần nói riêng nhớ rất rõ. Anh Thuần không may bị bại liệt từ năm lên 6. Anh được cho đi học thêu với mục đích để tự nuôi được mình. Sau đó là những tháng ngày ròng rã bên khung thêu. “1 tháng học cầm kim cho đúng, 2 tháng học cách đâm mũi kim cho thẳng hàng. Một năm sau mới được thêu những mũi kim đầu tiên trên nền vải...” - anh Bùi Lê Thuần nhớ lại. “Thêu thùa không đơn giản như nhiều người nghĩ. Muốn học ngoài sự kiên nhẫn phải có óc tưởng tượng phong phú. Những kỹ thuật như dằng kim ra sao để mũi chỉ chặt; cách tìm hiểu và nhận dạng mẫu gì, phần nào thì dùng kỹ thuật thêu nào cho tương ứng; cách thêu; chăng khung, sang kiểu. Người thợ dùng “lối thêu xưa”, các mũi thêu phải theo một chiều nhất định, cách rút kim theo hướng nào, kéo chỉ dài bao nhiêu, đâm kim xuống thẳng hay nghiêng… đều phải đúng quy định. Vì những quy định khắt khe, nên để thêu giỏi không dễ”.
![]() | |
Ảnh: Mai Lan |
Rồi cứ cần cù, chịu khó nắn nót vẽ từng con chỉ thành hoa, thành chim, anh Thuần đã làm được nhiều hơn như thế. Anh nuôi được cả gia đình trong cơn khốn khó và có một cơ ngơi nho nhỏ. Suốt hơn chục năm anh được một công ty Nhật Bản tín nhiệm đặt thêu riêng những bức tranh của họ...
Níu giữ sợi chỉ màu
Thế nhưng thời hoàng kim nhanh chóng đi qua, khi các bạn hàng từ Nhật, Pháp không còn đặt đơn hàng lớn nữa. Hàng chục xưởng thêu phải đóng cửa. Người còn trụ lại cũng chẳng đủ ăn, phải làm thêm nghề khác. Và anh Thuần cũng phải bỏ nghề như một lẽ tất yếu…
Mặc dù vậy, trên những con phố sầm uất nhất của Hà Nội, sự hiện diện của những sản phẩm thêu thủ công chưa bao giờ thôi rực rỡ. Trong mắt du khách, đó là một đặc trưng văn hóa riêng có của mảnh đất kinh kỳ. Thêu thùa đã được ứng dụng trên các sản phẩm may mặc. Mấy năm trở lại đây, người ta thích mặc áo dài thêu, nên những người thợ còn lại ở Quất Động làm không ngơi tay. Nhưng thêu thùa giờ chỉ là câu chuyện của những người trung niên như anh Bùi Lê Thuần ở ngôi làng có tuổi nghề ngót 300 năm này...
Tiếc nuối khi nhìn thấy nghề cha ông đang mai một, mặc dù phải di chuyển bằng xe ba bánh, nhưng gần đây hàng tuần anh Thuần đều đặn lên phố cổ Hà Nội để dạy thêu cũng như nói chuyện về nghề thêu. Lớp học thêu được tổ chức tại một cửa tiệm nhỏ trên gác 2, cũng là do một người con của làng Quất Động mở ra. Và anh Thuần là người thầy đầu tiên của làng Quất Động tự nguyện dạy thêu miễn phí cho những đứa trẻ ở thành phố. Lớp học lúc đầu vắng, vì thêu thùa là thứ gì đó rất kỳ lạ trong thời buổi công nghệ hiện nay, nhưng càng ngày càng đông. Những ông bố, bà mẹ đã nhận ra giá trị kết nối vô hình của một nghề thủ công truyền thống đối với con cái mình.
Không chỉ đám trẻ, người lớn cũng say mê không kém. Có người học cho vui, cho biết, nhưng cũng có người vì say mê mà học để trở thành thợ. Hơn 50 tuổi, người đàn ông cả đời gắn bó với cây nạng vui như đứa trẻ mỗi khi có học viên khoe mẫu thêu của mình. Anh tỉ mẩn chỉ từng mũi chỉ thêu sai, động viên, khích lệ họ, vừa xúc động vừa tựa như biết ơn... Anh bảo: “Người trẻ giờ ít thêu thùa lắm, nên có người học thì mình phải trân trọng. Tôi cũng già rồi, chẳng biết rồi còn dạy được mấy năm nữa, nên truyền được nghề cho ai là vui. Bởi hễ còn người học thì nghề thêu còn hy vọng”.