Dự hội nghị có: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Chánh án TAND tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu…
Dự kiến, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật và cho ý kiến lần đầu 13 dự án luật; tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, gồm 8 chương, 68 điều, quy định hoạt động công nghiệp công nghệ số; bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến công nghiệp công nghệ số... Dự thảo luật được xây dựng bám sát 2 nhóm chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua gồm: Hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số và bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số; đồng thời tập trung cho ý kiến về: Đối tượng áp dụng, các khái niệm, quy định về thu hút; sử dụng nhân tài công nghệ số; điều kiện thành lập, mở rộng khu công nghệ số; quản lý rủi ro đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo...
Theo các đại biểu, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc hoàn thiện, xây dựng thể chế để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số... Tuy nhiên, quy định pháp luật về công nghiệp công nghệ được ban hành từ thời điểm ngành công nghệ thông tin mới bắt đầu phát triển tại Việt Nam chưa điều chỉnh được vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Do đó, việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số; phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số...
Góp ý vào dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, dự án luật này có một số nội dung liên quan đến Luật Công nghệ thông tin, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đầu tư, Luật Công nghiệp trọng điểm, Luật Dữ liệu (đang được các bộ liên quan xây dựng). Vì vậy, cơ quan chủ trì (Bộ Thông tin và Truyền thông) cần phối hợp với các bộ, ngành để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, tránh chồng chéo.
Liên quan tới nội dung bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động công nghiệp công nghệ số, an toàn và bảo mật dữ liệu, phát triển nhân lực... các ý kiến cho rằng, cần có thêm các biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực; làm rõ hơn các quy định về bảo mật thông tin, đặc biệt là về trách nhiệm và chế tài xử lý khi xảy ra vi phạm, nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng và các bên tham gia...
Nhiều đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm nội dung về tuân thủ các thỏa thuận quốc tế để phù hợp với nội dung hợp tác quốc tế; bổ sung thêm trường hợp “cấp lại” đối với các loại giấy phép, giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số để áp dụng đối với những trường hợp làm hư hỏng, làm mất, điều chỉnh thông tin…; bổ sung quy định chi tiết nội dung về các ngành nghề mới về công nghệ số; giải thích từ ngữ bổ sung...
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cho rằng: Đây là lĩnh vực mới, mang tính chuyên ngành sâu nên rất cần sự tham gia góp ý của các ngành, địa phương... Các ý kiến của đại biểu là cơ sở để Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ Tám tới của Quốc hội, góp phần để dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sớm được thông qua.