Ngày 30.9, thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh này vừa có công văn về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ngành chức năng, UBND các xã, phường, thị, trấn, Ban Quản lý các chợ, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ các loài động vật hoang dã, chim di cư đến các tầng lớp Nhân dân; nhất là tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn không tham gia săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; không tiếp khách, liên hoan… có sử dụng thực phẩm được chế biến từ chim hoang dã, di cư.
Thành lập các Đoàn liên ngành để tổ chức kiểm tra, truy quét các địa bàn thường xảy ra tình trạng săn, bắt động vật hoang dã, chim di cư (nhất là tại các khu vực cư trú, điểm dừng chân của chúng), các khách sạn, nhà hàng, quán ăn có kinh doanh dịch vụ ăn uống, các chợ, điểm mua, bán động vật hoang dã, chim di cư trên địa bàn, từ đó phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ các công cụ, dụng cụ, thiết bị săn, bẫy, bắt chim hoang dã, di cư và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật…
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường phối hợp các ngành chức năng, địa phương liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ chim hoang dã, di cư.
Yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp huyện, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư và các vi phạm liên quan đến quảng cáo, mua bán... trái pháp luật động vật hoang dã trên không gian mạng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Định kỳ ngày 20 hằng tháng, các địa phương, các đơn vị liên quan tổng hợp kết quả thực hiện, các vụ việc vi phạm, xử lý, báo cáo UBND tỉnh và gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm.
Đặc biệt, công văn nhấn mạnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện nghiêm túc nội dung trên, trường hợp không thường xuyên kiểm tra, giám sát, để xảy ra các hành vi vi phạm trên địa bàn mình quản lý do cơ quan cấp trên hoặc các cơ quan thông tin, báo chí phát hiện, phản ánh thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã đó chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh theo đúng quy định.