Chiếc bánh chưng nặng 300kg tượng trưng cho 300 năm ngày sinh Đại danh y (1724 - 2024). Để thực hiện nhiệm vụ này, có 10 người cùng tham gia các công đoạn chuẩn bị, gói, nấu bánh trong 3 ngày. Nguyên liệu để làm chiếc bánh này gồm 270kg gạo nếp; 30kg đậu xanh. Ngoài ra, để gói bánh phải sử dụng trên 600 chiếc lá dong cùng các nguyên liệu kèm theo.
Từ sáng ngày 9.2, chiếc bánh chưng được gói xong, sau đó người dân đã phải sử dụng máy cẩu để mang chiếc bánh đi nấu trong vòng 30 giờ. Đến chiều ngày 10.2 chiếc bánh chưng đã được nấu xong và sau đó sẽ làm lễ cung tiến và rước chiếc bánh chưng.
![anh-7.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/144e0e290010d083a6f777a64871f75b342eacbde6d80f7a6f24b15a4aff75205a84ccedfe722b71135366c523369ebf/anh-7.jpg)
![Chiếc bánh chưng nặng 300kg được 10 người dân gói để cung tiến danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác anh-8.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/144e0e290010d083a6f777a64871f75b1de95b47dcf8ecf116e255fe6c2ce0245a84ccedfe722b71135366c523369ebf/anh-8.jpg)
Bánh sẽ được đưa từ khu sinh thái Hải Thượng sau đó tham gia vào đoàn rước của huyện Hương Sơn dâng tiến lên Khu lưu niệm và Nhà thờ Đại danh y ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn. Sau khi cung tiến bánh tại lễ rước và lễ tế, chiếc bánh sẽ được di chuyển về sân trước khu Mộ và Tượng đài Hải Thượng để nhân dân, du khách thập phương thụ lộc.
Anh Phạm Quang Thiết (31 tuổi, trú ở xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn), một trong những người tham gia gói bánh chưng chia sẻ: “Chúng tôi dành hơn 1 ngày để chuẩn bị các công đoạn như rửa lá dong, ngâm gạo nếp. Thời gian gói bánh là 1 ngày, sau đó đem nấu trong vòng 30 giờ đồng hồ. Công tác chuẩn bị được thực hiện đảm bảo kỹ thuật để chiếc bánh chín đều. Chúng tôi rất vui vì đã hoàn thành xong chiếc bánh để kịp cung tiến Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”, anh Thiết nói.
![Rất đông người dân đến dâng hương tại khu di tích Hải Thượng Lãn Ông anh-9.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/144e0e290010d083a6f777a64871f75b083d2328319b342b641f127c1f1598675a84ccedfe722b71135366c523369ebf/anh-9.jpg)
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm Giáp Thìn 1724, tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Lê Hữu Trác xuất thân từ một gia đình truyền thống khoa bảng, nhiều người học giỏi, đỗ cao, làm quan to dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Cha của ông là Lê Hữu Mưu, đỗ đệ tam giáp tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê Dụ Tông tới bậc thượng thư. Mẹ ông là Bùi Thị Thường, quê ở xứ Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Biệt hiệu Hải Thượng do hai chữ đầu tiên tỉnh (Hải Dương) và tên phủ (Thượng Hồng), nhưng cũng có thể do chữ Bàu Thượng là quê mẹ và đây là nơi ông ở lâu nhất (từ năm 26 tuổi đến khi mất). “Lãn Ông” nghĩa là ông lười, ngụ ý lười với công danh phú quý nhưng rất chăm chỉ đối với sự nghiệp chữa bệnh cứu người.
Năm 26 tuổi, ông từ bỏ chốn quan trường về quê ngoại phụng dưỡng mẹ già ở làng Bàu Thượng, xã Tịnh Diệm, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây ông miệt mài tìm kiếm, khảo cứu, ươm trồng các loại cây thuốc bản địa, làm thơ, dạy học, viết sách, chữa bệnh cứu người. Ông mất năm 1791, để lại cho đời một tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật. Mộ ông được táng tại chân núi Minh Tự, bên sông Ngàn Phố, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Năm 2023, ghi nhận những công lao, đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, UNESCO đã vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới. Cuối tháng 11.2024, khu mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (huyện Hương Sơn) đã được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.