Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, trong dịp Tết năm nay, thành phố và các sở, ngành, địa phương thành lập 681 đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong đó tuyến thành phố có 14 đoàn (gồm: 4 đoàn liên ngành và 10 đoàn của các Sở, ngành), 88 đoàn tuyến quận, huyện, thị xã và 579 đoàn tuyến xã phường, thị trấn.
Tính từ ngày 15.12.2024 đến nay, tổng số cơ sở được thanh kiểm tra là 6.829 cơ sở; phát hiện 1.001 cơ sở vi phạm và tiến hành xử phạt 954 cơ sở với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở 30 cơ sở và đang tiếp tục xử lý vi phạm với 17 cơ sở.
Cụ thể, tuyến thành phố thanh tra, kiểm tra được 518 cơ sở, qua đó phát hiện 424 cơ sở vi phạm. Hiện đã có 407 cơ sở bị xử phạt với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng và đang tiếp tục làm việc xử lý vi phạm với 17 cơ sở. Cùng với đó, buộc tiêu hủy các hàng hoá vi phạm chủ yếu là xúc xích, bánh kẹo, rượu thủ công, các sản phẩm từ thịt động vật… có trị giá gần 3,2 tỷ đồng và chuyển 4 vụ sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định.
Ngoài ra, tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn kiểm tra được 6.311 cơ sở, trong đó phát hiện 577 cơ sở vi phạm, phạt tiền 547 cơ sở với số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng và nhắc nhở 30 cơ sở. Đồng thời, tiêu hủy 170 loại sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tổng số mẫu được giám sát chuyên sâu trong đợt 1 là 189 mẫu (ngành Nông nghiệp giám sát 32 mẫu, ngành Y tế giám sát 150 mẫu, các đoàn liên ngành của thành phố giám sát 7 mẫu). Kết quả có 148 mẫu đạt các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh; 9 mẫu không đạt các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh và 31 mẫu chưa có kết quả kiểm nghiệm.
Trong đợt kiểm tra này, các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng lấy tổng số 13.225 mẫu test nhanh tại chỗ, chủ yếu là mẫu tinh bột, phẩm màu kiềm, dấm vô cơ, foocmon, hàn the, ôi khét, methanol (cồn công nghiệp); trong đó số mẫu không đạt là 1.005 mẫu (chiếm tỷ lệ 7,6 %).
Báo cáo của Ban chỉ đạo thành phố cũng chỉ ra, việc xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm ở tuyến quận, huyện và xã, phường, nhất là tuyến xã chưa thật sự kiên quyết. Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Hà Nội mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng vậy. Trong khi đó, phần lớn vụ ngộ độc xảy ra trong năm 2024 lại nằm ở tuyến xã, phường quản lý…
Theo đánh giá của Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, thành phố Hà Nội luôn là địa phương đi đầu cả nước trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Thời gian qua, cơ quan chức năng của thành phố đã rất tích cực vào cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm lớn. Cùng với việc phản ánh các cơ sở vi phạm, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để người tiêu dùng biết và lựa chọn.