Hà Nội từng bước, thận trọng mở lại các hoạt động

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 06:17 - Chia sẻ
Những tháng cuối năm, Hà Nội quyết tâm chủ động thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế. Trong đó, việc mở lại các hoạt động sẽ được thực hiện từng bước, thận trọng. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là nắm chắc thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại buổi làm việc giữa đoàn ĐBQH thành phố với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố trước Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.

	Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn ĐBQH TP Hà Nội với các cơ quan của thành phố.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn ĐBQH TP Hà Nội với các cơ quan của thành phố.
Ảnh: P.Long

Thách thức lớn khi mở cửa trở lại

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, 9 tháng năm 2021, thành phố chủ động áp dụng các biện pháp mạnh trong phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng của Thủ đô. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giảm 7,02%, kéo tăng trưởng GRDP 9 tháng xuống còn 1,28%. Dù vậy, một số chỉ tiêu, ngành, lĩnh vực vẫn tăng trưởng khá. Từ nay đến cuối năm, thành phố đặt mục tiêu hoàn thiện các nội dung quan trọng, bảo đảm tiến độ báo cáo Trung ương. Đặc biệt, sẽ xây dựng, thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri Thủ đô gửi đến Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV với 8 nhóm nội dung ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và 7 nhóm kiến nghị. Theo đó, cử tri mong muốn Quốc hội, Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt dự án đường Vành đai 4; có cơ chế đặc thù trong việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ; lên kế hoạch cụ thể về tiêm vaccine cho trẻ 12 - 18 tuổi... Cử tri kiến nghị Quốc hội quan tâm, nâng cao chất lượng xây dựng luật; tăng cường giám sát, tái giám sát việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế và hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia...

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch thành phố đã đạt được thời gian. ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: Trong đợt dịch thứ tư, mặc dù là địa phương có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 rất cao, song Hà Nội đã chủ động, kịp thời khống chế, không để mất kiểm soát, giảm thiểu được thiệt hại về người. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thành phố cần lắng nghe ý kiến đóng góp của đông đảo người dân; thiết lập nhiều kênh tiếp cận thông tin để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Nhiều ĐBQH thành phố cũng lưu ý, Hà Nội sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn khi mở cửa trở lại theo chỉ đạo chung. Vì vậy, phải tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tập trung tuyên truyền để người dân tự giác phòng dịch. Về phục hồi phát triển kinh tế, phải tập trung đổi mới cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Tại hội nghị, ĐBQH Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT góp ý TP. Hà Nội nên có kế hoạch, tính toán cho học sinh trở lại trường học tại khu vực ngoại thành. Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, thành phố cần tính các phương án tối ưu, nhất là về mặt y khoa để học sinh sớm được đi học trở lại, tránh việc học trực tuyến kéo dài. 

Thiết lập trạng thái thích ứng an toàn

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Trong 3 tháng cuối năm, Hà Nội quyết tâm chủ động thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế. Trong đó, mở lại các hoạt động sẽ được thực hiện từng bước, thận trọng. Thành phố sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của người đứng đầu, các tổ Covid-19 cộng đồng. Đồng thời, nâng cao hơn nữa năng lực của hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị cả hệ thống chính trị Thủ đô phải tập trung đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, nắm chắc thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, sớm đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới. "Ngay tuần tới, thành phố sẽ tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tinh thần đối thoại cũng rất đổi mới, đó là có những vấn đề cụ thể phải được tháo gỡ ngay tại các hội nghị đối thoại, không chờ đợi", ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Thành phố cũng sẽ tập trung chỉ đạo rà soát tổ chức bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục những chồng chéo để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp. Trong đó, từng bước đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; lấy nhân tố con người để thay đổi. Trước hết, tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có điều chỉnh cần thiết. "Thành phố quyết tâm thực hiện thắng lợi các dự án mang tính chất đột phá, tạo động lực mới cho Thủ đô, đáp ứng đòi hỏi của người dân như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 hay cải tạo chung cư cũ. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, Hà Nội sẽ có cơ chế khơi thông các nguồn lực, nhất là nguồn lực chất xám vốn đang là thế mạnh", Bí thư Thành ủy khẳng định.

PHI LONG