Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: tình trạng thiếu giáo viên; tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học trong các thành phố lớn, các khu đông dân cư,...
Một trong những bài học kinh nghiệm được Bộ GD-ĐT đặt ra là tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục - đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực; ưu tiên đầu tư nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm khả thi, tránh lãng phí về nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.
Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục cũng là 1 trong 12 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 được Bộ GD-ĐT đặt ra.
Hà Nội giải quyết tình trạng thiếu trường học như thế nào?
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản số 670/UBND-KGVX về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 THPT năm học 2024-2025 trên địa bàn thành phố.
Trong đó, việc rà soát điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học 2024-2025, bảo đảm đáp ứng đầy đủ chỗ học cho học sinh, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở các trường học là một trong những yêu cầu được UBND TP. Hà Nội giao cho các đơn vị.
Giải pháp tháo gỡ tình trạng quá tải ở các trường học vẫn luôn là chủ đề được quan tâm của ngành giáo dục Thủ đô, nhất là khi mật độ dân số tại thành phố này đang ngày càng tăng.
Trước đó, tại phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố Hà Nội do Thường trực HĐND thành phố tổ chức tháng 10.2023, báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đang thiếu 49 trường tại 8 quận (Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai).
Việc thiếu trường học đã tạo nên tình trạng quá tải tại các trường công lập và áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024 vừa qua, đặc biệt ở các quận Hoàng Mai và Đống Đa.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, Hoàng Mai là quận đông dân nhất thành phố với khoảng 700.000 người, trong đó hơn 100.000 cháu trong độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4.000 cháu.
Trong những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp của quận gặp nhiều khó khăn, bất cập; trong đó có năm phải thực hiện bốc thăm cho các cháu mầm non. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của hành phố và triển khai nhiều giải pháp của quận, tình trạng này đã dần được khắc phục, không còn tình trạng bốc thăm vào các lớp mầm non.
Theo đó, quận đã tập trung chủ yếu vào 4 giải pháp: Lập các kế hoạch tuyển sinh cụ thể; triển khai tuyển sinh trực tuyến; đẩy mạnh nhanh các dự án xây dựng trường học và khuyến khích đầu tư các trường ngoài công lập. Quận đã điều tra số trẻ vào đầu năm học từ đó phân luồng, phân tuyến tuyển sinh; công khai tuyển sinh của từng trường và việc tuyển sinh được đảm bảo đúng quy định, không có trường hợp trái tuyến; 100% đăng ký tuyển sinh trực tuyến.
Trong 3 năm qua, quận Hoàng Mai cũng đã triển khai xây dựng mới được 23 trường học, tăng cường cải tạo sửa chữa 25 trường học để tăng số lượng lớp học. Tại các trường ngoài công lập, học sinh chiếm 19% số học sinh trên địa bàn, giúp giảm tải cho trường công lập .
Ông Nguyễn Minh Tâm cho hay, hiện nay, quận Hoàng Mai thiếu 43 trường học, vì thế giải pháp là phải có đủ điều kiện về đất và về vốn. Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề xuất thành phố quan tâm, hỗ trợ cho quận việc triển khai đầu tư xây dựng trường học. Khi thành phố phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, cần quy định tỷ lệ trường công lập ở các khu đô thị. Bên cạnh đó, thành phố tích hợp và điều chỉnh quy hoạch Luật Thủ đô, sắp xếp để tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện nay.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định thông tin, quận Đống Đa có diện tích đất cho các trường rất chật hẹp, hiện 1 trường khoảng 60 lớp, trung bình số học sinh 40-60 học sinh/lớp.
Về giải pháp, Chủ tịch UBND quận Đống Đa khẳng định, quận sẽ tập trung đầu tư mạnh vào các dự án mới; đồng thời, có đề án sáp nhập những điểm trường nhỏ vào các trường lớn để đảm bảo số trường đạt chuẩn theo quy định.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000 đến - 50.000 học sinh.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, điều này đòi hỏi thành phố triển khai xây dựng trường học mới cả công lập và ngoài công lập mỗi năm từ 30 đến 40 trường học mới đáp ứng số học sinh tăng mỗi năm.
Khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, ở các cấp học, bên cạnh hệ thống trường công lập, hệ thống trường ngoài công lập cũng rất phát triển, tạo thêm cơ hội học tập và đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh ở các độ tuổi.
Việc triển khai thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố đã mang lại kết quả tích cực, giải quyết được nhu cầu học tập của học sinh. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần giảm áp lực và sự quá tải trong các cơ sở giáo dục công lập.
Đáng chú ý, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thành phố đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 43.000 giáo viên, nhân viên và giúp giảm được khoảng 18.000 tỷ đồng/năm từ ngân sách Nhà nước.
Năm học 2023-2024, tổng số trường tư thục trên địa bàn Hà Nội tăng 18 trường. Tổng số học sinh đang theo học tại các trường tư thục trên địa bàn hiện là hơn 330.000 em, tăng khoảng 20.000 em so với năm học trước.
Việc gia tăng các trường ngoài công lập được kỳ vọng một trong những “điểm sáng” góp lời giải hay cho bài toán về quá tải trường lớp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trường Tiểu học, THCS và THPT Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai là một trong những trường ngoài công lập vừa đi vào hoạt động năm 2023.
“Cùng với Nhà nước và các tổ chức xã hội, là nhà giáo, chúng tôi cũng có trách nhiệm quan trọng trong việc xã hội hóa giáo dục”, nhà giáo Phạm Bích Ngà, Nhà sáng lập Hệ thống Giáo dục Ngôi Sao Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Tiểu học, THCS và THPT Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân.
Theo nhà giáo Phạm Bích Ngà, Trường Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai sở hữu không gian mở, trải rộng trên 2,3 ha, với tổng diện tích xây dựng 60.000m², đáp ứng quy mô 5.000 học sinh.
Trường được thiết kế đầy đủ công năng từ hệ thống phòng học hiện đại đến các khu vực khác nhau như hội trường lớn, thư viện 400m², sân thể thao cao cấp (8 sân bóng rổ, 2 sân bóng đá), phòng học theo chuyên đề như tin học, thí nghiệm khoa học…
“Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai luôn hướng tới xây dựng một “ngôi trường hạnh phúc - đổi mới sáng tạo”. Tại đó, học sinh được khám phá và trải nghiệm những điều mới mẻ, thích nghi với mọi sự thay đổi, hứng thú trong học tập và rèn luyện tính chủ động, tự học một cách có kỷ luật và tự giác.
Điều đặc biệt là những điều tôi ấp ủ từ lâu về chương trình phát triển Văn - Thể - Mỹ cho học sinh sẽ được triển khai một cách toàn diện và hiệu quả tối đa tại ngôi trường này. Chúng tôi tin chắc rằng các con sẽ tiến bộ mỗi ngày và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”, nhà giáo Phạm Bích Ngà nói.
Theo kế hoạch của UBND TP. Hà Nội, giai đoạn từ 2023 đến 2025, Hà Nội phấn đấu xây dựng mới 135 trường học với kinh phí khoảng 10.800 tỷ đồng.
Thành phố Hà Nội khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, giảm gánh nặng ngân sách, đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường học.
Trong Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận định: "Việc huy động các nguồn lực xã hội còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc quy hoạch quỹ đất cho giáo dục chưa được quan tâm đúng mức; các cơ sở giáo dục ngoài công lập khó tiếp cận với quỹ đất để phát triển trường học; các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chính sách thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giáo dục, chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư… chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Còn thiếu các quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa và trách nhiệm triển khai chính sách xã hội hóa giáo dục chưa thực sự thống nhất, đồng thuận".