Hà Nội - Thu quyến rũ
“Bởi vì mùa thu tôi ở lại” - nói như một câu hát của Trịnh Công Sơn. Lại cũng có người vì mùa thu mà trở lại. Đó là những người con tài hoa của Hà Nội mà mỗi lần “đến hẹn” lại mang đến cho mùa thu Hà Nội những “món quà” riêng tặng quê hương.
Khi “Tổ quốc gọi tên mình”
Chương trình hòa nhạc quốc gia thường niên “Điều còn mãi” do Báo Vietnamnet tổ chức đến năm nay đã bước sang mùa thứ 8. Bằng ấy năm diễn ra cũng là chừng ấy lần nhạc trưởng Lê Phi Phi về nước, cầm đũa chỉ huy dàn nhạc. Mùa thu Hà Nội thảnh thơi với ai, nhưng vẻ như với vị nhạc trưởng tài năng này thì chưa bao giờ, nhất là những “năm chẵn” kỷ niệm Ngày Quốc khánh hay một ngày lễ trọng nào đó của đất nước. Như năm nay, cùng với chương trình “Điều còn mãi”, còn có sự trở lại của chương trình “Giai điệu mùa thu” tại TP Hồ Chí Minh... “Tầm tháng 8, tháng 9 hàng năm thường là dịp tôi về lại Việt Nam, tranh thủ kỳ nghỉ hè ở châu Âu nhưng không phải để nghỉ ngơi, thăm thân… mà là về “phục vụ” quê hương bằng những cuộc biểu diễn khác nhau. Âu cũng là một cách “Tổ quốc gọi tên mình”...” - Nhạc trưởng Lê Phi Phi xúc động chia sẻ. “Có những giọt nước mắt yêu thương không chỉ rơi nhân một bài hát nào gợi nhớ, mà có thể đã chảy từ rất lâu và rất sâu trong tâm hồn mình. Từ đó, giúp mình thể hiện được những cảm xúc sâu sắc khi cầm đũa chỉ huy dàn nhạc...”.
“Và mỗi lúc thu sang, người con trai hiếu thảo của nhạc sĩ Hoàng Vân lại về ngồi bên bố mình, ánh mắt ấm áp, đôi bàn tay ấm áp, trong cái tiết trời dìu dịu, đẹp như lòng người lúc thương nhau...” |
Sự bận rộn đôi khi làm cản trở tình yêu. Lê Phi Phi nói có những chuyến trở về bận rộn tới mức khiến anh “thậm chí không có lấy một buổi sáng cho bản thân mình chứ đừng nói là một ngày để có thể tận hưởng trọn vẹn mùa thu ở Hà Nội”. Và người con trai đất Hà thành này luôn “thèm được ngồi nhâm nhi một ly cà phê sáng ở phố cổ, mơn man một cơn gió thu, ngắm nhìn những mảng ánh sáng vàng mà chỉ có mùa thu mới có…”. “Thế thôi, là đủ!”, anh nói.
![]() Ca sĩ Mỹ Linh |
Hà Nội mùa thu trong ký ức của người con xa xứ là tất cả những vị ngọt anh từng được nếm thuở ấu thơ: Rằm Trung thu, phố Hàng Mã, đèn ông sư, mặt nạ, múa sư tử, đêm trăng rước đèn phá cỗ, quả hồng quả bưởi, bánh dẻo bánh nướng… Nhưng hình ảnh luôn làm anh xao động nhất là những con đường rải lá sấu rụng vàng ươm mà mỗi dịp về, nếu không quá bận, anh thường tranh thủ thu nó vào ống kính. “Cũng có năm không làm được điều đó, thật tiếc...”, anh nói.
Riêng 8 năm nay đồng hành với “Điều còn mãi” - chương trình hòa nhạc thường niên luôn vang lên vào đúng thời khắc lịch sử (2 giờ chiều Ngày Quốc khánh 2.9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội), thì mùa thu Hà Nội trong Lê Phi Phi còn mang một vẻ đẹp khác, gần như riêng dành cho anh. Vào những “năm chẵn”, ngoài phố tưng bừng lễ diễu binh, diễu hành, những đường phố ngập tràn băng rôn, biểu ngữ, những mặt người dự hội..., nhưng trong Nhà hát Lớn, lại là sự im lặng tuyệt đối của khán giả, dõi theo “cây đũa thần” của anh. “Đẹp và thiêng liêng hơn cả đối với tôi, hẳn là sự im lặng đầy nâng niu và trân trọng đó, ở nơi những người nghệ sĩ chúng tôi “gọi Tổ quốc” theo cách của mình...” - Con trai nhạc sĩ Hoàng Vân xúc động.
![]() Nhạc trưởng Lê Phi Phi |
Ngoài những buổi biểu diễn, như nhiều người con Hà Nội sống xa quê hương, nhạc trưởng Lê Phi Phi luôn đau đáu trong lòng nỗi cha già mẹ yếu như ngọn đèn trước gió mỗi lúc trái gió trở mùa. Mùa thu đẹp và tình trong những con mắt thơ, nhưng với người già, đó lại là mùa gió máy, mùa của những cơn ho và thậm chí, cơn đau. Từ năm ngoái qua năm nay, sức khỏe của nhạc sĩ Hoàng Vân - cha anh, có đỡ hơn một chút, nhưng vẫn chưa tiện để có lại những buổi hai cha con cùng nhau dạo phố như xưa. Vị nhạc trưởng định cư ở châu Âu này bảo rằng, mỗi lúc từ phố về lại căn gác nhỏ nằm trên một con phố gần Bờ Hồ, anh chỉ muốn hứa với bố: “Chỉ cần bố đi lại được vững vàng hơn chút nữa là con sẽ đưa bố xuống phố đi ăn sáng, uống cà phê, ngắm vẻ náo nhiệt của phố phường với mùa thu Hà Nội, như hàng bao năm nay bố con mình vẫn làm, bố nhé!”. Như bao người, tác giả của những ca khúc cách mạng từng lay động mạnh mẽ lòng người giờ đây đang phải đối diện với “sinh lão bệnh tử”. Và mỗi lúc thu sang, người con trai hiếu thảo của ông lại về ngồi bên bố mình, ánh mắt ấm áp, đôi bàn tay ấm áp, trong cái tiết trời dìu dịu, đẹp như lòng người lúc thương nhau...
“Em nghe chăng trong lắng sâu...”
Với một người con Hà Nội khác là ca sĩ Mỹ Linh thì mùa thu lại là mùa mà chị “nhất quyết không rời Hà Nội”. “Đuổi cũng không đi”, chị nói vui. “Cái mùa gì mà lạ, vừa ấm vừa lạnh, nắng thì thưa, mưa thì nhẹ. Rồi thì màu nắng, mùi hương…, và kể cả một người bạn cũ thôi, trong một buổi chiều cà phê nào đó, bỗng dưng như cũng khác. Và là một cái khác rất dễ chịu. Tôi gần như không thể đi đâu khỏi Hà Nội tầm này, cũng như chưa từng bao giờ nghĩ đến việc sẽ chuyển đến sống ở một nơi tiện nghi hơn, hiện đại hơn, hẳn cũng vì cảm giác quen thân mà chưa bao giờ nhàm chán ấy, nhất là mỗi độ thu về....” - Giọng ca “Hương ngọc lan” chia sẻ. Mùa thu với những người cầm mic cũng là mùa live show, như Tùng Dương – ca sĩ “Ôi quê tôi” từng nói vui với tôi, mùa “đi bên em bắt... live show”. Trung tuần tháng 9 năm nay, giọng nam số 1 của làng nhạc nhẹ Việt lại tổ chức live show riêng lần thứ 8 của mình, mang tên “Trời và Đất”, với khách mời là bộ tứ diva. “Trời – Đất” trong ý tưởng của anh và êkip thực hiện chính là sự giao hòa giữa thiên nhiên vạn vật và con người, âm dương đấu nối... “Vì thế mà tôi mới chọn dịp này để tổ chức live show, khi đất trời như hòa cùng làm một...”, giọng ca “Quê nhà” chia sẻ.
![]() Ca sĩ Tùng Dương |
Với nhạc sĩ Vũ Quang Trung – con trai nhạc sĩ Vũ Thanh thì mùa thu Hà Nội trước hết và trên hết luôn nằm trong chính những ca khúc nổi tiếng về Hà Nội của bố anh như “Hà Nội mùa thu”, “Bài ca Hà Nội”... “Thu đi dài năm tháng/ Vinh quang và duyên dáng/ Cho ta khuôn mặt sáng ngời...” – Bấy nhiêu tha thiết du dương quá đỗi thân thuộc kia thiết tưởng cũng đã đủ để níu gọi một đứa con xa xứ trở về, bên câu hát của cha mình. Riêng năm nay, Vũ Quang Trung nói rằng anh còn mong được về lại Hà Nội hơn bao giờ, để tổ chức một đêm nhạc kỷ niệm cột mốc 30 năm thành lập ban nhạc Hoa Sữa mà anh và cố nhạc sĩ Lương Minh từng là những sáng lập viên đầu tiên. Nhạc sĩ Lương Minh, người bạn nghề thân thiết một thuở của anh nay đã đi xa, như một dấu lặng buồn trong anh, giữa cái xao xác lúc mùa về, và vì thế, ý nguyện ấy lại càng trở nên thao thiết. “Hoặc có thể là một đêm nhạc Vũ Thanh - Vũ Quang Trung, riêng cho mảng ca khúc về Hà Nội”, tác giả ca khúc “Chiều Hà Nội” nói.
“Tôi vẫn hằng nhớ về Hà Nội, cả trong câu hát của cha tôi, và cả những trải nghiệm của chính mình, ở vào thời “thanh niên sôi nổi”. Lần gần nhất tôi trở về Hà Nội cũng đã cách đây 5 năm rồi, khi đảm nhiệm vai trò giám đốc âm nhạc trong live concert của Bằng Kiều. Hà Nội giờ khác đi nhiều quá, khiến có lúc tôi đã đi lạc. Nhưng một số “lề lối” cũ thì vẫn thế. Có những người còn phóng cả xe máy lên vỉa hè, và nhiều món ăn đường phố mình từng mê như bún ốc, bún chả... giờ không dám ăn nữa. Nhưng vẫn còn nguyên đó, những góc phố mình từng đứng chờ một ai đó, hoặc ghé đón ai... Mọi góc phố đều trở nên đặc biệt nhờ kỷ niệm...” – Từ Mỹ, nhạc sĩ Vũ Quang Trung rưng rưng chia sẻ.
Những rưng rưng khiến Hà Nội mãi là “Thu quyến rũ” - đúng như tên ca khúc để đời của Đoàn Chuẩn – Từ Linh, trong lòng người đi xa hay ở lại...