Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn xảy ra ở các tỉnh miền Bắc khiến nhiều nơi bị ngập lụt, nhiều nhà rơi vào cảnh mất trắng vì nước lũ cuốn trôi tài sản. Theo ghi nhận của phóng viên, vào ngày 15.9, tại phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), hàng chục người nông dân trồng đào không khỏi xót xa khi nhìn thấy những gốc đào yêu quý, vốn đã chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới bị hư hỏng do úng nước.
Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Công Chức, hộ dân trồng đào tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho biết: "Hiện tại khu vực này không khác gì vùng đất chết. Cây cối, hoa màu tan hoang, nước ngập đến đâu là chết đến đó. Gần 1.000 gốc đào nhà tôi giờ gần như mất trắng”.
Những cây đào ngập trong nước lũ, chỉ còn vài cây sống sót lẻ loi. Để khôi phục lại được khu vườn, người dân nơi đây ước tính phải mất từ 2 đến 3 năm, một quãng thời gian dài đầy thử thách đối với những ai sống bằng nghề trồng đào.
Còn ông Phạm Văn Dũng, chủ một vườn đào lâu năm chia sẻ: "Từ năm 1996 đến nay, tôi mới chứng kiến cảnh ngập lụt kinh hoàng như thế này. Nước lên nhanh và thiệt hại nặng nhất. Phải mất đến năm 2026 chúng tôi mới có thể thu hoạch lại, nếu may mắn".
Bà Chu Thị Hợp, một chủ vườn đào tại Nhật Tân buồn bã chia sẻ: "Vườn đào nhà tôi có hơn 200 gốc, đầu tư bao nhiêu tài sản vào đây. Giờ mất trắng, không còn gì cả. Nhà cửa ngập lụt không đáng ngại bằng việc mất vườn đào. Chắc tôi phải bỏ nghề, vì giờ không có tiền trả nợ”.
Những lời than thở đầy chua xót của người dân không chỉ là nỗi đau về mặt tài chính mà còn là tâm huyết, công sức suốt cả năm, chỉ trông chờ vào vụ mùa Tết. Vậy mà giờ đây, hy vọng đã tan biến trong dòng nước lũ.
Một tuần sau bão, làng đào Nhật Tân ven sông Hồng, dưới chân cầu Nhật Tân, trở nên xơ xác. Những gốc đào vốn chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đã bị nhấn chìm 3-4 mét trong nước lũ. Dù một số cây cao hơn thoát khỏi trận lũ, nhưng rễ cây đã úng, khó có khả năng hồi phục. Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ những cây đào còn lại héo úa, chết dần cũng rất cao.
Nhiều chủ vườn đã cố gắng di dời những gốc đào lên các khu vực cao hơn để giảm thiểu thiệt hại, nhưng với tốc độ nước sông Hồng dâng lên quá nhanh, mọi nỗ lực đều trở nên vô ích.
Nhật Tân, với 802 hộ dân gắn bó với nghề trồng đào, không chỉ là nguồn sinh kế mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Những gốc đào bích, đào phai, đào trắng và đặc biệt là đào thất thốn đã từng là sản phẩm OCOP 4 sao, thu hút du khách và quảng bá hình ảnh làng nghề. Nhưng giờ đây, tương lai của làng đào này trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết.
Các hộ dân đang đối mặt với bài toán khôi phục kinh tế, trong khi việc hồi phục lại các vườn đào có thể kéo dài nhiều năm, chưa kể những khó khăn về thời tiết và tài chính. Cơn lũ đi qua, để lại không chỉ là những vườn đào chết khô, mà còn là nỗi đau về sự mất mát không dễ gì bù đắp được của người dân Nhật Tân.
Trước đó, cơn mưa lớn kéo dài từ đêm ngày 09.9 đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều khu vực ở thủ đô Hà Nội. Mực nước sông Hồng đã dâng cao đến 9,5m, tương đương báo động cấp 1. Đặc biệt, làng đào Nhật Tân, một địa phương nổi tiếng với nghề trồng đào truyền thống đang bị nước lũ cô lập nghiêm trọng. Theo báo cáo của UBND phường Nhật Tân, hiện có khoảng 80/90ha khu vực đất bãi sản xuất nông nghiệp của các hộ dân bị ngập. Đặc biệt, khoảng 20.000 cây đào đã chìm trong nước.