Văn phòng UBND Thành phố vừa có Văn bản số 57/TB-VP ngày 17.2.2025, thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn về phương án xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với Thủ đô Hà Nội trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội cơ bản thống nhất về phương án tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội (đoạn tuyến trên địa phận TP. Hà Nội) - phương án 1 theo báo cáo, đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại văn bản số 442/QHKT-HTKT ngày 10.2.2025.
Phương án xây dựng mới đi trên cao về phía Bắc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đấu nối với nút giao giữa đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và vành đai 3, tuyến đi trùng vành đai 3 và kết nối với đường dẫn cầu Tứ Liên về trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Tổng chiều dài trên toàn tuyến (Bắc Ninh - Hà Nội) khoảng 49,52km. Chiều dài đoạn tuyến trên địa phận TP. Hà Nội khoảng 28,58km (trong đó, đoạn tuyến làm mới khoảng 8,06km; đoạn đi trùng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên/vành đai 3, đường cầu Tứ Liên khoảng 20,52km).

UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh thống nhất quy mô toàn tuyến kết nối từ sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) về trung tâm TP. Hà Nội là khoảng 100-120m (lựa chọn 120m để phù hợp quy mô tỉnh Bắc Ninh dự kiến điều chỉnh 142m về 120m) và mở rộng nghiên cứu không gian phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường từ 300-400m;
Thống nhất đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cập nhật, thực hiện đầu tư xây dựng ga Trung Mầu trong giai đoạn 1 của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; thống nhất đề xuất nghiên cứu định hướng, phát triển tuyến đường sắt đô thị dọc tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm thành phố Hà Nội (phân kỳ ở giai đoạn sau) để kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 01 (Yên Viên – Ngọc Hồi) và tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng;
Thống nhất với đề xuất phương án dịch chuyển đoạn tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm thành phố Hà Nội xuống phía Nam khoảng 100m và dịch phương án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đồng bộ đoạn giáp Khu công nghiệp VSHIP Bắc Ninh (để không ảnh hưởng KCN VSHIP Bắc Ninh).
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các đơn vị có liên quan, nghiên cứu phương án bổ sung nhánh rẽ ưu tiên hướng Gia Bình về Trung tâm Hà Nội tại đoạn giao giữa đường dẫn cầu Tứ Liên và vành đai 3 (nhánh bẻ cong và tạo thành đảo tam giác là điểm nhấn, không gian kiến trúc cảnh quan đô thị); nghiên cứu đồng thời phương án đấu nối với các tuyến đường vành đai và các cầu vượt sông Hồng (cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi...) để phát huy hiệu quả kết nối của tuyến đường từ kết nối sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội theo các hướng khác nhau;
Đồng thời rà soát, kiểm tra về đề xuất quy mô của các nút giao của tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm thành phố Hà Nội với đường vành đai 3, đường dẫn cầu Tứ Liên và quy mô mặt cắt ngang đường vành đai 3 đoạn phía Bắc huyện Đông Anh nhằm khớp đồng bộ với tuyến đường nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội.
Đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh và đơn vị tư vấn phối hợp nghiên cứu phương án đấu nối của các tuyến đường ngang trên địa bàn tỉnh (khu vực tiếp giáp với ranh giới TP. Hà Nội) kết nối với tuyến đường từ sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội (đoạn tuyến trên địa phận TP. Hà Nội).
Sau khi tỉnh Bắc Ninh (đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tại Thông báo số 562/TB-VPCP ngày 18.12.2024) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án xây dựng tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) về trung tâm TP. Hà Nội, UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo các Sở, ngành Thành phố cập nhật phương án tuyến đường (đoạn tuyến trên địa phận TP. Hà Nội) vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (nếu có).