Từng bước lan tỏa để phục vụ người dân
Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Cù Ngọc Trang thông tin, hiện nay các địa phương đều đang nỗ lực trong việc tạo tài khoản cho người dân sử dụng ứng dụng iHanoi, trong đó 5 địa phương đạt số lượng tài khoản người dân cao: Huyện Chương Mỹ (57.584), quận Bắc Từ Liêm (32.300), huyện Mỹ Đức (31.461), quận Hà Đông (29.506), quận Hoàng Mai (26.258).
Đánh giá chung cho thấy dù, trong giai đoạn đầu, việc tiếp nhận và giải quyết tại các cơ quan, địa phương có nơi còn lúng túng, vướng mắc trong: công tác tổ chức, bố trí nhân lực thực hiện; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa thành thạo khai thác, sử dụng ứng dụng mới; ứng dụng vận hành theo quy trình ban đầu trên ứng dụng còn chưa phù hợp, phải điều chỉnh cách tính phù hợp thực tế triển khai (về cách tính thời gian thực hiện các bước; phân quyền, chức năng cho các vai trò quản lý, quản trị và tiếp nhận, xử lý). Khó khăn do còn phát sinh lỗi kỹ thuật và khả năng đáp ứng tính năng, tiện tích hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, đến nay đã cơ bản đi vào ổn định. Qua theo dõi, thống kê cho thấy các cơ quan, địa phương có kết quả xử lý tốt, được người dân đánh giá hài lòng cao, gồm các quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân và Sở Giao thông Vận tải. Bên cạnh đó còn có một số địa phương, cơ quan có kết quả xử lý cần phải cải thiện, nâng cao chất lượng gồm các huyện: Đông Anh (13/17 quá hạn); Thanh Oai (7/11 quá hạn); Sở Xây dựng (4/7 quá hạn).
Ý kiến đánh giá phản ánh kiến nghị của người dân về mức độ hài lòng, chấp nhận trên hệ thống đánh giá vẫn chiếm tỷ lệ ổn định khoảng 65,6%; mức độ chưa hài lòng của người dân chiếm tỷ lệ khoảng 34,4%. Rà soát kết quả số phản ánh kiến nghị được người dân đánh giá chưa hài lòng, theo đánh giá khách quan có khoảng 10% trong số đó thực sự chưa đạt yêu cầu. Lý do nội dung kết quả xử lý người dân còn chung chung, chưa có hình ảnh hoặc văn bản chứng minh hoặc quên không đánh câu trả lời.
Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng, quận Long Biên Giáp Thị Thanh Nhàn cho biết, sau khi nhận được công điện của Thành phố và văn bản chỉ đạo của UBND quận, UBND phường đã chỉ đạo các phòng, ban, chuyên môn cùng các đoàn thể tăng cường tuyên truyền trên các kênh thông tin, trong đó đặc biệt khai thác hơn 80 nhóm zalo liên gia về ý nghĩa và các tiện ích của iHanoi.
"Phường Việt Hưng cũng chỉ đạo các tổ chuyển đổi số cộng đồng phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát khu vực, đoàn thanh niên triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng. Đối với khối hành chính sự nghiệp, phường Việt Hưng yêu cầu 100% cán bộ, công chức hoàn thành việc cài đặt xong trước ngày 10.7; đồng thời tuyên truyền, vận động và hướng dẫn cài đặt, mở tài khoản trên ứng dụng iHaNoi cho người dân khi đến làm việc tại phường…", bà Thanh Nhàn nói.
Xử lý kịp thời kiến nghị trên ứng dụng iHanoi
Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND quận Long Biên Nguyễn Ngọc Vân cho biết, là người trực tiếp tham gia vào việc giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá ứng dụng iHanoi ra đời đã trở thành cầu nối giúp chính quyền và người dân Hà Nội gần với nhau hơn bao giờ hết. Từ những phản ánh của người dân trên ứng dụng iHanoi, trực tiếp chính quyền địa phương hoặc các cơ quan liên quan đã tiếp nhận, xử lý và phản hồi kết quả cho người dân biết.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đánh giá việc thực hiện chuyển đổi số cần xác định rõ 5 lan tỏa “biết, hiểu, đồng thuận, tự nguyên và lan tỏa”, đồng thời từng phản ánh của người dân phải được các cấp chính quyền “nâng niu”, quan tâm xử lý, từ đó tạo sự lan tỏa tới từng người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị Văn phòng UBND thành phố và Viettel, các đơn vị liên quan tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, xác định người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ nhưng đồng thời là chủ thể tham gia, chủ thể sáng tạo trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Minh Hải đề nghị các quận, huyện, các ngành, đơn vị, tổ chức của thành phố gửi kết quả đã thực hiện, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc về Văn phòng UBND thành phố để tổng hợp. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của các ngành, đơn vị phải xử lý ngay. Những nội dung vượt thẩm quyền phải báo cáo, đề xuất với Thành phố, Trung ương để được xem xét, giải quyết kịp thời.
“Phải xác định đây là việc làm thường xuyên, khi có những vấn đề bức xúc đặc biệt là của người dân phải được xử lý ngay. Hoặc phải có sự thông tin lại việc này liên quan đến hệ thống và đang được giao cho các đơn vị, để người dân theo dõi và có sự đồng thuận” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội lưu ý.
Đồng thời, tổng hợp những kết quả thực hiện, bài học kinh nghiệm của các nước, các địa phương, tỉnh, thành phố và Hà Nội đã thực hiện; những định hướng, quan điểm phát triển của ứng dụng trong thời gian tới… để tuyên truyền, đảm bảo người dân được tham gia, được đóng góp, để cả trong hệ thống cán bộ công chức và người dân cùng hiểu, cùng đồng thuận.
Đối với những khó khăn vướng mắc, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu phải được số hóa, xét theo thứ tự từng khâu của người dân, doanh nghiệp, chính quyền, gắn với đó là nguyên nhân. Từ đó đề xuất những giải pháp và đề xuất kiến nghị, mục tiêu làm sao phục vụ người dân, trải nghiệm của người dân ngày càng tốt hơn.
Tính đến thời điểm giữa tháng 8.2024, Hà Nội đã nhận được 285 ý kiến góp ý để hoàn thiện ứng dụng iHaNoi. Dự kiến, trong thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng ứng dụng “Công dân Thủ đô số”. Trong đó, sẽ có nội dung yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng đẩy mạnh tương tác với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, thông qua ứng dụng iHaNoi.