Hà Nội quan tâm dành quỹ đất cho các thiết chế văn hóa
Ngày 25.4, tại phiên họp giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Trong thời gian tới, thành phố sẽ quan tâm dành quỹ đất cho các thiết chế văn hóa và thể thao thông qua các giải pháp "căn cơ, hiệu quả".
Nhiều cách làm sáng tạo
Phát biểu làm rõ một số nội dung được đại biểu HĐND thành phố quan tâm, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết: Trong những năm gần đây, Hà Nội đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có những chủ trương, chính sách để xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Trên cơ sở các cơ chế thực hiện xã hội hoá của thành phố, hàng năm, các cấp, các ngành đã chủ động kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư các thiết chế văn hoá, thể thao. Qua đó, nhằm đa dạng hoá các loại hình hoạt động, phục vụ nhu cầu của người dân. Trong đó, có 45 dự án công viên và khu vui chơi (tổng mức đầu tư 25.600 tỷ đồng); 44 dự án thể thao (tổng mức đầu tư 9.824 tỷ đồng) đang triển khai. Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố dự kiến triển khai thực hiện các dự án xã hội hóa khác như: Nhà hát Opera và khu văn hóa đa năng Quảng An (tổng mức đầu tư 11.996 tỷ đồng); Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng) và các rạp chiếu phim hiện đại trong các trung tâm thương mại.
Ngoài ra, đến nay, UBND thành phố cấp phép hoạt động cho 17 bảo tàng trên địa bàn; tập trung ưu tiên để hình thành một số bảo tàng chuyên đề giới thiệu nghề truyền thống, bảo tàng nghệ thuật, cách mạng kháng chiến, cổ vật, lưu niệm danh nhân...
"Có thể nói, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở từ thành phố đến cơ sở đã thực hiện tốt vai trò, vị trí trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển câu lạc bộ sở thích, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu của người dân. Từng bước mở rộng, nội dung chương trình hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú và phù hợp hơn với nhu cầu người dân", Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nêu rõ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng biểu dương một số quận, huyện có cách làm sáng tạo. Điển hình như: Quận Cầu Giấy xây dựng khá đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa từ quận đến tổ dân phố, đầu tư khu vui chơi giải trí cho trẻ em trong công viên Cầu Giấy, công viên Nghĩa Đô và 3 Trung tâm văn hóa thể thao phường. Hay như, quận Long Biên có 90% tổ dân phố có nhà văn hóa và đã có 57 điểm được lắp đặt một số dụng cụ thể thao cơ bản tại các nhà văn hóa, vườn hoa, khu công cộng theo hình thức mở để người dân được tự do luyện tập vào tất cả thời gian...
Tăng cường quản lý các thiết chế văn hoá sau đầu tư
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, ngay sau phiên giải trình, UBND thành phố sẽ yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương trung xử lý, kịp thời giải quyết thỏa đáng những vấn đề được các đại biểu HĐND thành phố nêu. Đặc biệt, đối với những tồn tại, khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn đặt ra đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Nội nói chung và trong công tác phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hoá nói riêng, gắn với đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay, để vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa tạo thuận lợi thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
“UBND thành phố xin tiếp thu đầy đủ và sẽ chỉ đạo và yêu cầu các thành viên UBND thành phố nghiêm túc trả lời bằng văn bản, kịp thời gửi đến các vị đại biểu HĐND thành phố trong thời gian sớm nhất”, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.
Về các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thành phố sẽ quan tâm dành quỹ đất cho các thiết chế văn hóa và thể thao. Đồng thời, Hà Nội sẽ dành nguồn lực từ đầu tư công, thực hiện chính sách xã hội hóa; tập trung xây dựng các chính sách đặc thù xung quanh là con người... Đáng chú ý, sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa, tăng cường quy chế quản lý sau đầu tư.
Với tinh thần cầu thị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định: UBND thành phố sẽ luôn nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện ngay những nội dung được Thường trực HĐND thành phố kết luận tại phiên giải trình và báo cáo kết quả thực hiện với HĐND thành phố tại các kỳ họp thường niên.