Hà Nội phố Nhà Thờ

- Thứ Bảy, 26/10/2019, 08:22 - Chia sẻ
Lần đầu tiên một tác giả người nước ngoài viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt, đặt câu chuyện tình yêu trong một Hà Nội đã khiến anh mê mẩn suốt bao năm qua. Không chỉ vậy, trong hơn 300 trang sách, Marko Nikolíc còn soi chiếu những va chạm Đông - Tây, đặt vấn đề mạnh mẽ về hành trình nhận thức bản thân và lựa chọn sống của con người…

Tôi là ai giữa Hà Nội?

Tháng 1.2019, có một chàng trai Tây tìm đến hiệu sách Nhã Nam và yêu cầu được gặp đại diện nhà sách, trao đổi về cách xuất bản cuốn sách bằng tiếng Việt. Sau những góp ý của biên tập viên, cuộc gặp tạm khép lại trong không khí không được vui vẻ cho lắm, bản thảo không được chấp nhận. 3 tháng sau, tập bản thảo được gửi lại, đã qua sửa chữa, rồi được đưa ra thảo luận và đạt số phiếu tuyệt đối của ban biên tập sách Nhã Nam. Với “Phố Nhà Thờ”, Marko Nikolíc chính thức là tác giả nước ngoài đầu tiên viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt.


Những ngày đầu tiên đặt chân đến Hà Nội, Nhà thờ Lớn đã quyến rũ Marko, khiến anh mê mẩn. Bao lần lang thang một mình hoặc có khi gặp gỡ bạn bè trên ban công của quán cà phê, Marko luôn chọn khu Phố Nhà Thờ. Khu vực này rất đặc biệt với anh, vừa lãng mạn, vừa cổ xưa, khác biệt, và một cách rất tự nhiên, anh chọn Phố Nhà Thờ làm tên tiểu thuyết của mình. Marko quan niệm, tiểu thuyết cũng giống như bức tranh xếp hình, anh lấy nhiều mảnh nhỏ để ghép lại thành bức tranh, trong đó có mảnh ghép đến từ bè bạn, từ những điều xung quanh, có những mảnh ghép của chính mình. Màu sắc tự truyện của tác phẩm, vì vậy đem lại những quan sát thú vị từ góc nhìn của một chàng trai Tây.

“Phố Nhà Thờ” kể về Nicolas, một chàng trai Pháp với vẻ ngoài lịch lãm, lần đầu đặt chân đến Hà Nội, một thành phố hoàn toàn xa lạ, xô bồ và hỗn loạn, khác xa với những tưởng tượng về “một chốn tràn ngập cảnh hài hòa của những con phố cổ kính, tựa như trường quay của một bộ phim lịch sử lãng mạn” mà anh tưởng tượng trước đó. Tiêu tiền euro, mang quốc tịch Pháp, lại có vẻ ngoài đẹp trai lịch lãm, Nicolas đã nghĩ rằng, cả đất nước này xoay quanh mình. Anh tận hưởng cuộc sống xa hoa, hưởng thụ phụ nữ và không ngừng phán xét xung quanh bằng con mắt duy lý, ích kỷ, đáo để. Để rồi, một ngày, tình yêu rời bỏ anh, để lại một bản ngã bị tổn thương sâu sắc. Anh bắt đầu cật vấn bản thân, soi chiếu những góc khuất tâm hồn, xem xét lại mục đích và ý nghĩa cuộc sống, nhận ra mình đã lố bịch và ngu ngốc đến thế nào…

Suốt hành trình nhận thức của nhân vật liên tục hiện ra hình ảnh cảnh vật, con người Hà Nội. Con phố nhỏ, ngõ nhỏ, hàng cây, cuộc sống chan hòa… mà ban đầu Nicolas tự cho mình đứng trên tất cả ấy, hóa ra đã chứng kiến tất cả, và giúp anh nhận ra phải đi tìm lại mình giữa lòng thành phố này.


Những ngày đầu tiên đặt chân đến Hà Nội, Nhà thờ Lớn đã quyến rũ Marko, anh chọn Phố Nhà Thờ làm tên tiểu thuyết của mình

 Marko Nikolić sinh năm 1987 tại Serbia. Anh đã đặt chân đến khoảng 70 nước. Marko dạy tiếng Anh ở Việt Nam từ năm 2014 và quyết định chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai. Hiện anh sống và làm việc ở Hà Nội.

Trải nghiệm đất và người

“Tôi thích không khí vừa náo nhiệt vừa lãng mạn tỏa ra từ quảng trường bao quanh bởi những lớp cây dày và tòa nhà cổ kính nằm ở giữa. Tôi thích ngắm những cặp tình nhân trẻ chụp ảnh náo nhiệt hoặc ngồi thanh thản trên những ban công cao khuất phía sau cây cối. Tôi thích chiêm ngưỡng Nhà thờ, chưa hết kinh ngạc và mê mẩn trước vẻ đẹp xưa cũ kiêu sa của nó”. Và bởi vậy, dưới ngòi bút của Marko, Hà Nội không chỉ có tình yêu, hoặc đúng hơn là không chỉ là tình yêu đôi lứa mà hiện hữu trên từng ngóc ngách, trong từng hơi thở những trải nghiệm sâu sắc về đất và người.

Marko Nikolíc chia sẻ, khi viết, anh luôn quan tâm đến tâm lý con người và những hạn chế của tư duy. Theo anh, mục tiêu của văn học là gạt bỏ những ảo tưởng về cuộc sống để đối mặt với sự thực. Trong những ngày tháng sống ở Hà Nội, đôi mắt của một người đến từ quốc gia khác giúp anh thấy được những điều thuộc về xã hội, con người Việt Nam, trong đó có những ảo tưởng, định kiến mà người Việt nhìn vào người phương Tây hiện nay. “Tôi muốn mọi người trải nghiệm cú sốc văn hóa như thế nào của một người Tây khi lần đầu đặt chân đến mảnh đất này, và cả những ảo tưởng của người Việt dành cho người Tây. Chẳng hạn, một chương kể về các trung tâm Anh ngữ đang mọc khắp Hà Nội. Phụ huynh chỉ muốn giáo viên phương Tây vì trong mắt họ giáo viên bản ngữ mới biết dạy tốt, phát âm chuẩn. Nhưng thực tế thì không phải mọi giáo viên đều là người bản ngữ, họ chỉ có ngoại hình nước ngoài, trong khi chẳng có chút kinh nghiệm và khả năng dạy. Đó là một vấn đề”.

Những “vấn đề” được đưa ra trong các cuộc trò chuyện xuyên suốt “Phố Nhà Thờ” giống như nét phác sẫm màu cho bức tranh Hà Nội, nhưng sau đó bao giờ cũng là những cảm nhận trìu mến. Marko tâm sự, trong suốt thời gian hoàn thành cuốn sách, anh viết rất chậm, liên tục tra cứu, 3 tiếng đồng hồ mới được một trang, nhưng với anh, bắt nhịp với Hà Nội là cách cố gắng để viết về Hà Nội, bằng tình cảm chân thành và sự nỗ lực không mệt mỏi. Trong nhiều trang viết, ta bắt gặp những cảm xúc của nhân vật dành cho thành phố, gần như của chính tác giả dành cho Hà Nội: “Tôi tự nhiên nhớ lại hôm đầu tiên đặt chân tới thành phố này. Lúc đó, Hà Nội trông như một chốn xô bồ xa lạ, một khu rừng bê tông bẩn thỉu, ầm ĩ, gây cảm giác bối rối, khó chịu. Còn bây giờ, nó trông hết sức quen thuộc, thân thiết, đến nỗi tôi cảm thấy một sự gắn bó vô hình nhưng đậm đà. Tôi thấy mình gần gũi, đồng điệu với nó, như một người bạn lâu năm, ta không cần giấu giếm gì nữa, vì đã hiểu hết nhau rồi”.

Hải Đường