Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 363/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 260-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Mục đích kế hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; sự vào cuộc của hệ thống chính trị; sự chủ động tham mưu, đề xuất của ngành giáo dục và đào tạo, ngành lao động - thương binh và xã hội, các sở, ban, ngành liên quan; sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn thành phố bảo đảm đồng bộ, thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW.
Kế hoạch của thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 60% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp, 100% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường, ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Toàn thành phố bao gồm 100% số quận, huyện, thị xã; 100% số xã, phường, thị trấn duy trì, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Đối với phổ cập giáo dục tiểu học, Hà Nội đặt mục tiêu có ít nhất 99% số trẻ em 6 tuổi vào lớp 1; 98% số trẻ ở độ tuổi 11 hoàn thành chương trình tiểu học.
Đối với phổ cập giáo dục trung học cơ sở, Hà Nội đặt mục tiêu có ít nhất 99% số thanh niên, thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở; 90% số thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi 15 đến 18 tuổi đang học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp.
Đối với công tác xóa mù chữ, Hà Nội đặt mục tiêu có 99,6% số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ mức độ 2; 96% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ.
Đối với phân luồng học sinh, Hà Nội đặt mục tiêu duy trì 100% số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100% số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phấn đấu có 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; phấn đấu có 40% số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội xác định 4 nhiệm vụ:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng; tăng cường sự tham gia của các cơ quan truyền thông đại chúng và phát huy ưu thế của tuyên truyền miệng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội, internet. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình học tập tiêu biểu, địa phương, đơn vị thực hiện tốt Chỉ thị số 29-CT/TW.
Thứ hai, đổi mới chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút đối với giáo viên. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lí nhà nước về giáo dục và đào tạo từ Thành phố đến cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hoá, tiếp cận dần chuẩn các nước tiên tiến. Chú trọng việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên.
Thứ tư, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm. Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trường, lớp.
UBND Thành phố yêu cầu các cấp chính quyền tổ chức quán triệt nghiêm túc các nội dung Chỉ thị số 29-CT/TW bằng nhiều hình thức phong phú, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và sâu rộng; cụ thể hóa Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ chính trị phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đến từng cơ sở; bảo đảm nguồn lực cho quá trình phát triển, thực hiện.