Đọc sách: Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu

- Thứ Sáu, 26/02/2021, 08:53 - Chia sẻ
Ở dạng hồi ký nhưng sống động như thể tác giả ngồi ghi chép lại những câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Phải nói là người đọc giật mình, sao trí nhớ của Trung Sỹ có thể tài tình đến thế. Không gian Hà Nội mở ra từ trước và sau khi tiếp quản Thủ đô 1954, kéo dài đến mấy chục năm sau, qua mấy lần sơ tán tránh bom Mỹ. Nhiều chuyện đã lùi xa, tưởng như đã quên rồi, nhưng quyển sách này đã nhắc lại. Quyển sách thuộc loại gây ra hiệu ứng, khiến người ta đọc đến đâu thì nhớ ra đến đấy, mình cũng có những kỷ niệm tương tự. Nó đánh động, nhắc nhở, khơi gợi, người đọc thế hệ chúng tôi có lẽ ai cũng bật nhớ lại một tuổi thơ như thế, lớn lên giữa lòng phố xá như thế, sống giữa không gian làng quê nơi sơ tán như thế.

Tác giả nhớ rất kỹ, nhớ rất tỉ mỉ, cách bện cái mũ rơm chẳng hạn, điều đó làm tôi bỗng nhiên nhớ ra ngày ấy mình cũng có một cái mũ rơm. Mũ rơm cũng có loại đắt tiền thời trang, còn mình có cái mũ rơm nhà nghèo, vành không rộng mà chỉ như cái vành mũ cát. Lại cứ tấm tắc trên từng trang, nhớ gì mà ghê thế: nhớ đến con tôm bện dây huyết thanh làm móc khóa xe, nhớ từng ô tem phiếu mua hàng, nhớ hình dáng cành đào thời bao cấp “nhất thể kiểu dáng bu gà”… Về làng quê chơi chọi cỏ gà còn biết bên trong đầu mồng cỏ có một con sâu bằng đầu tăm, còn nhớ hẳn hoi tên con sâu là hoàng khuyển, dẫn hẳn ra câu thơ của Vương An Thạch về “con chó vàng” này mà ông ngoại đọc cho nghe. Tác giả nhớ theo kiểu mà người ta bảo là nhớ hết cả Hà Nội. Thuộc vanh vách những bài thơ trong sách giáo khoa, nhớ cả những bài những câu hát bịa đặt của trẻ con, nhớ những câu hát câu thơ đẹp. Nhớ từ anh khắc bút dạo ở Bờ Hồ, nhớ những người ở nhờ trong nhà mình sau khi giải phóng thủ đô, nhớ các cô mậu dịch viên bao cấp, nhớ những người bạn ở nơi sơ tán… Trong những chân dung ấy, đặc biệt cảm động là hình ảnh bà vú nuôi, dùng sữa mình nuôi cho con người ta lớn, thành thanh niên rồi mà hàng tuần bà vẫn quay lại để xem anh chàng sống thế nào, giặt giũ cho anh chàng lười tắm. Rồi khi bà chủ gia đình bị thiếu mấy đồng cân vàng phải giao nộp cho Nhà nước, đang lo sợ bị bắt bỏ tù, thì chính bà vú nuôi lại phải lấy vàng của mình nộp bù cho nhà chủ. Còn nữa, có khi thấp thoáng hình ảnh hiu hắt của người thầy bị quy kết khiến người trò nhiều năm sau còn vương vấn.

Cuốn sách là cả một kho tư liệu sống, lưu trữ nhiều mặt đời sống Hà Nội những năm tháng ấy. Đầy đủ cái ăn cái mặc cái chơi và tinh thần của người Hà Nội thời chiến và thời bao cấp. Sinh động đến mức giống như tác giả dùng cặp mắt mình để ghi hình rồi lưu giữ những thước phim ấy trong bộ nhớ ký ức, giờ đem chiếu lại cho ta xem. Giá trị tư liệu của tác phẩm vì vậy là rất đáng kể. Nhưng còn hơn cả việc cung cấp tư liệu, đây là một tác phẩm văn chương, cho nên bao trùm lên tất cả là cảm xúc của người viết. Tinh tế, đầy trắc ẩn, nhiều cảm thông với những phận người. Cái nhìn cũng có khi trẻ thơ hồn nhiên, trong trẻo đồng thời tinh nghịch và dí dỏm, gây ra tiếng cười thích thú cho người đọc.

Cấu trúc hầu như theo trình tự thời gian, nhưng cũng có khi đan xen những đoạn hồi tưởng và phục hiện, nhìn chung là sáng rõ. Cảnh sắc Hà Nội thời chiến và thời bao cấp được quan sát tinh tường, được ngẫm ngợi kỹ lưỡng, được diễn tả thật gợi. Ngôn ngữ dẫn chuyện hóm hỉnh và lôi cuốn. Đôi khi giữa những trang văn đặc sệt Hà Nội lại lạc vào chút phương ngữ Nam bộ, người đọc có thể tự lý giải theo lời giới thiệu ở bìa gấp rằng Trung Sỹ có năm năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nam bộ. Ảnh hưởng ngôn ngữ có thể là từ đó, mà cũng có thể như tác giả đã viết một cách hài hước: “Ngôn ngữ có vẻ cũng như một thứ chiến lợi phẩm”.

Hồ Anh Thái

------

* Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu, Trung Sỹ, Công ty Sống và NXB Lao động 2019.