Hà Nội: Lò mổ lợn, các hộ chế biến thực phẩm "bức tử" ao hồ công cộng, gây ô nhiễm nặng nề
Các lò mổ lợn tự phát và một số hộ chế biến thực phẩm xả thải khi chưa qua xử lý tại thôn Lã Côi (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm), là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các ao hồ quanh làng đang bị ô nhiễm nặng nề, khiến người dân bức xúc.
Nhiều năm qua, hệ thống ao hồ tại thôn Lã Côi (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) không chỉ là cảnh quan, là "lá phổi xanh" điều hòa không khí mà còn là một phần quan trọng của hệ sinh thái và đời sống văn hóa của người dân nơi đây.
Tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri, vài năm trở lại đây, một số ao xung quanh làng Lã Côi đang ngày đêm phải "oằn mình" hứng chịu lượng lớn nước thải chưa qua xử lý, biến những mặt nước trong xanh thành những vũng tù đọng và bốc mùi hôi thối.
“Quần áo phải thay 3 lần/ngày vì ám mùi hôi thối”
Là người dân sinh sống ngay gần khu vực cống xả thải, ven ao làng Lã Côi, bà Trần Thị Loan, tại xóm 5 chia sẻ, từ khi địa phương làm lại con đường này và làm lại hệ thống thoát nước thì cái ao này bắt đầu ô nhiễm dần lên. Vì ở ngõ 4, có những nhà người ta chế biến thực phẩm, làm cỗ. Bắt đầu từ năm nay mới bị ảnh hưởng, chứ còn từ năm ngoái là ao này không vấn đề gì cả.

Khi nắng lên là váng mỡ nổi, theo gió Đông Nam đẩy hết về góc này. Cái bọt nó dày dần, dày dần. Buổi sáng thì nó là màu xanh lơ, xanh lá. Đến trưa nó thành màu xanh như là màu xanh da trời và đến trưa nắng to nó sẽ đen kịt, bốc mùi như mùi phân bắc đổ xuống đây.
"Nhà chúng tôi phải đeo hai cái khẩu trang, quần áo thì một ngày phải thay 3 lần. Khẩu trang cứ thỉnh thoảng lại phải thay vì cảm tưởng như mùi hôi nó ám hết lên người từ đầu đến chân. Cửa suốt ngày đóng kín, đi phải đi cửa sau. Có nghĩa là từ xóm trong đến xóm ngoài, gió thổi là đâu đâu cũng ảnh hưởng, nhưng trực tiếp những gia đình ở mặt ao là khổ nhất. Con cháu đến là đuổi về, không dám cho đến chơi nữa", bà Trần Thị Loan chia sẻ thêm.

Tình trạng ao hồ tại thôn Lã Côi bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân.



Cũng theo phản ánh của người dân, tại một lò mổ lợn tại thôn Lã Côi (xã Yên Viên), hoạt động giết mổ lợn phát sinh lượng lớn nước thải chứa máu, lông, phân, nội tạng…Toàn bộ lượng nước thải này được xả thẳng ra ao nội đồng.


Người dân nơi đây cũng cho biết, đa phần các hộ nấu cỗ hoạt động theo mùa vụ, quy mô nhỏ, thường tận dụng hệ thống thoát nước chung hoặc xả trực tiếp ra môi trường. Việc xả thải bừa bãi từ các lò mổ lợn và hộ nấu cỗ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nước ô nhiễm làm chết cá và các loài thủy sinh.
Nước thải từ việc sơ chế thực phẩm, rửa chén bát chứa lượng lớn dầu mỡ, thức ăn thừa, vụn hữu cơ từ các kinh doanh nấu cỗ. Khi xả trực tiếp ra ao hồ, dầu mỡ sẽ nổi váng trên mặt nước.
Lò mổ lợn “tự phát”, các hộ nấu cỗ không có hệ thống xử lý nước thải
Trao đổi với phóng viên về thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Viên (huyện Gia Lâm) cho biết, hiện tại, trong thôn Lã Côi có một số hộ dân đang làm dịch vụ nấu cỗ, toàn bộ nước thải chảy thẳng ra các ao làng, ứ đọng lại gây ô nhiễm môi trường.
Trước đây, hệ thống nước thải sinh hoạt của các hộ trong thôn là cứ ngõ nào sẽ chạy thẳng ra ao. Từ khi làm đường là xây dựng hệ thống cống gom sau đó chảy ra ao. Thế nên vừa rồi thời tiết nắng nóng lên thì cũng bị những mùi nó hơi khó chịu.
Còn lò mổ lợn thì vào buổi sáng họ mổ vài con để cung cấp thực phẩm cho khu vực này thôi, lò mổ “tự phát” chứ không phải là một cái lò mổ lớn hay là cung cấp cho thị trường Hà Nội thì chúng tôi cũng không dám để như thế?
Hiện nay, thôn Lã Côi cũng đang có cái kế hoạch phá bung cái bờ ao đó ra để cho nước lưu thông tất cả đi.

Chính quyền xã cũng đã phối hợp với thôn Lã Côi vào tuyên truyền, yêu cầu các hộ gia đình nấu cỗ phải có các biện pháp xử lý ngay ở trong gia đình, không phải là cứ tống hết tất cả ra ngoài ao làng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.
Bảo vệ ao hồ công cộng không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan quản lý nhà nước mà là của toàn xã hội. Đã đến lúc chính quyền địa phương cần hành động quyết liệt hơn để trả lại sự trong lành cho những dòng nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và gìn giữ một môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.
*Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát, làm việc với các cơ quan chức năng để có thông tin tới bạn đọc và cử tri cả nước.