Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 320/TB-VP Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh tại cuộc họp về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn quận Cầu Giấy (theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8.4.2022 của HĐND thành phố và Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 8.6.2022 của UBND thành phố).
50 dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy, hiện trên địa bàn quận Cầu Giấy có 50 dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ thực hiện theo Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 8.6.2022 của UBND thành phố Hà Nội. Do đó, UBND thành phố giao các sở, ngành, các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các một số nội dung cụ thể.
Đối với 11 dự án đã khắc phục, xây dựng công trình đưa đất vào sử dụng, thuộc trường hợp tiếp tục theo dõi, giám sát (Dự án Chung cư Vinashin tại 32 Nguyễn Khang, Dự án tòa nhà Paragon tại ô A3 Khu đô thị mới Cầu Giấy …). Các sở, ngành, đơn vị liên quan, theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chu đầu tự dự án khẩn trương hoàn thành đầu tư xây dựng dự án để đưa vào khai thác, sử dụng.
Đối với dự án tại ô đất A3/NO*, A4/NO, A5/NO Khu đô thị Nam Trung Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, yêu cầu Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội (thuộc Sở TN&MT) khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để tổ chức đấu giá trong Quý IV.2023. Trường hợp không đảm bảo tiến độ, Sở TN&MT tham mưu cho UBND TP giao UBND quận Cầu Giấy tổ chức đấu giá theo phân cấp, ủy quyền.
Đối với 11 dự án UBND thành phố đã có Quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng, trong thời gian gia hạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thuộc trường hợp bất khả kháng (Dự án tòa nhà văn phòng tại lô E2 Khu đô thị mới Cầu Giấy, Dự án Tòa nhà đa chức năng tại phường Mai Dịch …). Giao Sở TN&MT căn cứ vào các quy định có liên quan, khẩn trương tham mưu, dự thảo Văn bản của UBND thành phố chỉ đạo thống nhất chung, làm cơ sở để giải quyết trường hợp cụ thể.
Đối với 4 dự án đã có Quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng, đang trong thời gian gia hạn, thuộc trường hợp tiếp tục theo dõi, giám sát (Dự án xây dựng công viên hồ điều hòa thuộc Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Dự án tòa nhà văn phòng kết hợp trung tâm công nghệ thông tin tại phường Mai Dịch …). Giao các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chủ dầu tư dự án khẩn trương hoàn thành đầu tư xây dựng dự án để dưa vào khai thác, sử dụng.
Đối với 13 dự án kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng (Dự án xây dựng khách sạn và gara cao tầng kết hợp trạm xăng tại ô đất B12 Khu đô thị Nam Trung Yên, Dự án chung cư tại ô C/D13 khu đô thị mới Cầu Giấy,..). Căn cứ quy định của Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành, kết quả kiểm tra việc sử dụng đất tại dự án nêu trên, Sở TN&MT có trách nhiệm thông báo cho Chủ đầu tư dự án về kết quả kiểm tra và hướng dẫn hoàn thiện thủ tục để được gia hạn sử dụng đất 24 tháng.
Trên cơ sở đó, lập tờ trình và dự thảo Quyết định gia hạn sử dụng đất cho Chủ đầu tư dự án, báo cáo UBND thành phố theo quy định, thời hạn hoàn thành trước ngày 10.8.2023.
Đối với 4 dự án đang thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15.7.2021 của Chính phủ (Dự án Xây dựng trụ sở văn phòng các đơn vị thành viên tại ô đất B2, KĐT mới Yên Hòa; Dự án Xây dựng Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ và nhà ở để bán Skyline tại số 5 Lạc Long Quân …) Giao Sở Tài chính chủ trì kiểm tra, rà soát, thông tin báo cáo UBND thành phố trước ngày 15.7.2023.
Đối với 4 Dự án vướng mắc về chủ trương đầu tư (Dự án tại ô đất C3/CC2, B9/CC1, B9/CC3 Khu đô thị Nam Trung Yên, Dự án Xây dựng khu nhà ở tại số 179 Trung Kính … ). Giao Thanh tra thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Sở Xây dựng, Sở TN&MT để xuất phương án điều chỉnh, xử lý hoặc thu hồi. Báo cáo UBND thành phố trước 15.7.2023.
Bên cạnh đó là về dự án quy hoạch trụ sở các Tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (gồm 22 dự án). Đối với 2 dự án đã được UBND thành phố quyết định cho thuê đất, các sở, ngành thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP tại Thông báo số 540/TB-VP ngày 1.11.2022 của Văn phòng UBND thành phố. Đối với 2 Dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư trước ngày 1.7.2014, giao Sở KH&ĐT tham mưu, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15.7.2023
Đối với 18 dự án (6 dự án đã quá tiến độ thực hiện và 12 dự án đã nộp hồ sơ nhưng chưa được quyết định chủ trương đầu tư), các Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, UBND quận Cầu Giấy tiến hành rà soát, thông báo đến các nhà đầu tư, đề xuất UBND thành phố dừng thực hiện dự án, hoàn trả kinh phí tạm ứng cho thành phố, xây dựng phương án tổ chức đấu giá theo đúng quy định với từng trường hợp.
Đối với các dự án Công an TP. Hà Nội đã báo cáo tại Văn bản số 400/BC-CAHN-ANKT ngày 13.6.2023. Trong đó khuyến nghị, chỉ đạo liên quan về: thẩm định kỹ về vốn chủ sở hữu, nguồn vốn đầu tư dự án đối với nhóm doanh nghiệp chưa xác định được năng lực do mới thành lập; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật doanh nghiệp đối với những nhà đầu tư không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động, nộp tiền thuê đất.
Xử lý trên quan điểm không e ngại, né tránh
Theo Chủ tịch UBND TP. Trần Sỹ Thanh, nhiệm vụ kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, là nhiệm vụ được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, giám sát chặt chẽ của HĐND thành phố, chỉ đạo thực hiện quyết liệt của UBND thành phố, để đẩy nhanh việc dầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn và hạn chế sử dụng lãng phí nguồn lực đất đai. Đây là nhiệm vụ phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và được dư luận xã hội quan tâm theo dõi.
Về nguyên tắc xử lý, nếu quá trình rà soát các dự án, trường hợp phát hiện nội dung chưa phù hợp hoặc tiềm ẩn nguy cơ vi phạm khi thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định hiện hành, cần kiên quyết sửa chữa, khắc phục ngay, trên quan điểm không e ngại, né tránh việc xử lý sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người đang đề xuất hoặc đang sử dụng đất dẫn đến phát sinh khiếu kiện dân sự.
Đối với các dự án không có khả năng triển khai tiếp hoặc không có khả năng điều chỉnh, khắc phục để triển khai tiếp, do việc triển khai quá chậm, không còn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, đất đai, sẽ kiên quyết bãi bỏ, thu hồi, dừng thực hiện, chấm dứt. Xây dựng phương án đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định hiện hành.
Việc điều chỉnh, khắc phục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện dự án, phải đảm bảo nguyên tắc không làm tăng mật độ dân số, dân cư cơ học tại khu vực, không hình thành nhà ở tại khu vực nhạy cảm. Ưu tiên điều chỉnh tăng chức năng cây xanh, các công trình công cộng đầu tư bằng vốn ngân sách.
Các trường hợp dự án đã điều chỉnh, nhưng nay rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành không có khả năng triển khai tiếp theo phương án đã điều chỉnh, cần xem xét điều chỉnh lại mục tiêu, chức năng quy hoạch đã được chấp thuận ban đầu để thực hiện, trường hợp không thực hiện được sẽ chấm dứt, thu hồi để đấu thầu hoặc đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật hiện hành.
Đối với các trường hợp trây ỳ, không thực hiện đúng nghĩa vụ tải chính. giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Cục Thuế TP. Hà Nội chủ động rà soát, làm rõ căn cứ, điều kiện, thủ tục; việc áp dụng điểm g, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai và khoản 12, 13 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6.1.2017 (UBND thành phố đã chỉ đạo tại Thông báo số 301/TB-VP ngày 20.6.2023. Việc phân loại, nhóm dự án phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý).