Địa phương

Hà Nội: Hơn 2.000 hồ sơ xin nghỉ hưởng chế độ theo Nghị định 178

Văn Anh 17/07/2025 11:38

Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, hiện thành phố đã tiếp nhận 2.005 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ và hưởng theo chế độ Nghị định số 178-NQ/CP (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 67-NĐ/CP ngày 15/3/2025). Đến nay, UBND thành phố đã ban hành quyết định đối với 525 trường hợp. Các hồ sơ còn lại đang trong quá trình xem xét, thẩm định.

Chiều 16/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị đánh giá tình hình triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn thành phố.

Tại hội nghị, 13 Bí thư Đảng ủy các phường, xã đã phát biểu nêu ý kiến kiến nghị về các vấn đề liên quan đến vận hành mô hình chính quyền hai cấp sau 2 tuần kể từ ngày 1/7/2025.

Trong đó, Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh kiến nghị thành phố sớm giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ nghỉ theo Nghị định số 178-NQ/CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Hn 1
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu đẩy mạnh số hóa tài liệu,
tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin khi triển khai chính quyền 2 cấp. Ảnh: Q.T

Trao đổi và giải đáp về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, hiện nay, thành phố đã tiếp nhận 2.005 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ và hưởng theo chế độ Nghị định số 178-NQ/CP (được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 67-NĐ/CP ngày 15/3/2025). Đến nay, UBND thành phố đã ban hành quyết định đối với 525 trường hợp. Các hồ sơ còn lại đang trong quá trình xem xét, thẩm định.

“Đối với việc này, thành phố phải xem xét cụ thể từng hồ sơ một, hồ sơ tài liệu đều phải rất kỹ", Giám đốc Sở nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ, 1.480 hồ sơ còn lại đang được xem xét. Tuy nhiên, thành phố xác định, khoản chi ngân sách cho việc này là rất lớn, với 525 người được duyệt hồ sơ vừa qua, thành phố đã phải chi gần 700 tỷ đồng. Nếu duyệt hết 1.480 trường hợp còn lại, số tiền ngân sách chi có thể lên tới 4-5 nghìn tỷ đồng...

Sau hơn hai tuần vận hành bộ máy chính quyền địa phương sau sắp xếp, các phường, xã mới trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã hoạt động ổn định, song vẫn đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc, được các bí thư đảng ủy phường, xã mới thẳng thắn nêu tại hội nghị và đề xuất nhiều kiến nghị với thành phố, Trung ương. Trọng tâm là khó khăn về nhân sự, cơ sở vật chất, quy trình nghiệp vụ và hạ tầng công nghệ thông tin.

Một số nơi còn thiếu hụt cán bộ theo cơ cấu, như xã Minh Châu còn thiếu tới 19 cán bộ lãnh đạo theo 15 vị trí việc làm. Trong khi đó, về cơ sở vật chất, phường Hồng Hà phản ánh còn khó khăn về trang thiết bị làm việc, thiếu chữ ký số, dữ liệu đảng viên chưa được cập nhật kịp thời. Hạ tầng công nghệ thông tin bước đầu còn chưa thông suốt, như phản ánh từ xã Phú Xuyên về những vướng mắc khi đăng nhập dịch vụ công quốc gia bằng VNeID, hay chưa có quy trình điện tử cho một số thủ tục hành chính.

Ngoài ra, khối lượng hồ sơ hành chính gia tăng đột biến trong thời gian đầu cũng gây áp lực lớn cho các đơn vị. Tuy nhiên, một số phường như: Hoàn Kiếm, Yên Sở, Tây Hồ, Hồng Hà... đã chủ động khắc phục khó khăn, vừa giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn, vừa chuẩn bị tốt cho đại hội Đảng bộ phường.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, sở ngành cần tiếp tục duy trì sự ổn định, tập trung xây dựng chính quyền địa phương hai cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trước mắt là tổ chức thành công đại hội đảng bộ 126 xã, phường lần thứ nhất, triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng trên 8%, chăm lo cho người có công, bảo đảm an sinh xã hội.

Các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, dựa vào dân để tạo đồng thuận, tăng cường tập huấn, đào tạo cán bộ, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, tài chính, đất đai… Thành phố sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ để phục vụ công tác đào tạo, tuyển dụng phù hợp. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ cần linh hoạt, ưu tiên cán bộ hiện có, nhất là cán bộ trẻ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu đẩy mạnh số hóa tài liệu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành. Đối với phân cấp, phân quyền, Thành ủy và UBND thành phố sẽ sớm hoàn thiện các cơ chế phù hợp, tạo điều kiện để cơ sở phát huy vai trò chủ động trong quản lý kinh tế - xã hội.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hà Nội: Hơn 2.000 hồ sơ xin nghỉ hưởng chế độ theo Nghị định 178
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO