Địa phương

Hà Nội: Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh

Văn Anh 06/07/2025 17:47

TP. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2025 có 230.000 doanh nghiệp đang hoạt động, ít nhất 3 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp khoảng 50 - 55% GRDP, khoảng 45 - 50% tổng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho khoảng 55 - 60% tổng số lao động, năng suất lao động bình quân tăng 7 - 7,5%/năm.

Tạo thuận lợi cho sự đóng góp của kinh tế tư nhân

Đây là một trong những nội dung tại Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Cụ thể, TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2025, kinh tế tư nhân tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ được đào tạo về quản trị doanh nghiệp và chuyển đổi số đạt ít nhất 60%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.

Thành phố cũng phấn đấu có 230.000 doanh nghiệp đang hoạt động; có ít nhất 3 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp khoảng 50 - 55% GRDP, khoảng 45 - 50% tổng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho khoảng 55 - 60% tổng số lao động, năng suất lao động bình quân tăng 7 - 7,5%/năm. Đến hết năm 2030, kinh tế tư nhân tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số ở mức toàn diện.

111.jpg
TP. Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh
phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: PV

Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực quản trị đạt chuẩn, triển khai hiệu quả chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh đạt từ 70 - 80%; phấn đấu tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân đạt 55 - 60% GRDP…

Thành uỷ Hà Nội yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn và nhân lực chất lượng cao; Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Đồng thời, hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.

Phát triển thương mại điện tử, kết nối chuỗi cung ứng

Theo thống kê, Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu về chỉ số phát triển thương mại điện tử. Hàng năm, UBND thành phố kết hợp với Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công Thương), Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) quốc gia tổ chức hội nghị tập huấn về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử cho lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội.

Theo đại diện Sở Công thương, Hà Nội cũng đề ra nhiều mục tiêu đối với thương mại điện tử trên địa bàn như tăng doanh số, tăng số lượng người dùng và các giao dịch trực tuyến… Cùng với đó là các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm như chú trọng xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, nhận biết sản phẩm chính hãng, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử; tập trung phát triển logistics phục vụ hoạt động thương mại điện tử kết nối chuỗi cung ứng thương mại điện tử với doanh nghiệp sản xuất để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng hóa ra thị trường…

Tuy nhiên, giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, việc các doanh nghiệp phát triển sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cũng gặp nhiều thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, việc triển khai phát triển, thúc đẩy kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68 ngoài việc nỗ lực của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, giá cả cạnh tranh.

Đồng thời, cần đầu tư một cách bài bản, xây dựng hệ thống kênh bán hàng chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, sáng tạo hơn trong việc thiết kế và sản xuất sản phẩm, các sản phẩm được đầu tư về chất lượng và mang tính đặc trưng của từng doanh nghiệp. Việc xây dựng hình ảnh sản phẩm bằng những hình thức độc đáo là một ý tưởng giúp doanh nghiệp thu hút người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hà Nội: Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO