Không nhận các khoản hỗ trợ để ưu tiên các địa phương khó khăn
Kết luận về công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với UBND thành phố triển khai ngay việc hỗ trợ khẩn cấp đối với các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão số 3. Trong đó, thành phố sẽ hỗ trợ 9 tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng với mức 5 tỷ đồng mỗi địa phương gồm có thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn; hỗ trợ 2 tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc mỗi địa phương 3 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ các tỉnh, thành phố là 51 tỷ đồng.
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố khẩn trương ra lời kêu gọi quyên góp và tiến hành các thủ tục cần thiết để chuyển hỗ trợ kịp thời cho các tỉnh, thành phố sử dụng hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn.
Đáng chú ý, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng thống nhất quan điểm không nhận hỗ trợ của Trung ương và các địa phương khác để ưu tiên cho các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng hơn và khó khăn hơn. Thành phố Hà Nội sẽ tập trung bằng các nguồn nội lực để hỗ trợ người dân trên địa bàn, trong đó có hỗ trợ an sinh và một chương trình riêng để hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ngoài việc hỗ trợ kịp thời, thường xuyên cho các gia đình đang gặp khó khăn, chịu thiệt hại do bão số 3, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo khẩn trương xây dựng chương trình khôi phục sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do bão số 3. Trước mắt thành phố và các địa phương triển khai hỗ trợ khẩn cấp trong việc cứu lúa, rau màu, vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Về phục hồi cây xanh, Bí thư Thành ủy lưu ý các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố. Trong đó, phải quán triệt tinh thần là cây nào trồng lại được là phải trồng lại kịp thời, cây nào yếu phải chuyển về vườn ươm chăm sóc.
Đối với việc rà soát cầu yếu trên địa bàn, Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố ngay sau cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy trước mắt chỉ đạo bảo đảm lưu thông an toàn qua các cầu, các cầu yếu không bảo đảm an toàn phải dừng lưu thông. Đồng thời khẩn trương triển khai Đề án gia cố, sửa chữa các cầu yếu để thực hiện sớm trong thời gian tới. Đối với những cây cầu mất an toàn cao, phải thực hiện ngay việc sửa chữa, gia cố theo quy trình khẩn cấp theo quy định.
Bí thư Thành ủy đặc biệt yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải thực hiện nghiêm tinh thần chủ động một cách thực chất theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Người đứng đầu cấp ủy phải quán xuyến công việc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân để giải quyết kịp thời những nhiệm vụ đặt ra trên địa bàn, nhất là việc bảo vệ an toàn cho dân, bảo vệ tài sản, giải tỏa cây xanh, vệ sinh môi trường... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố huy động các tổ chức đoàn thể và Nhân dân tham gia tích cực cùng các địa phương. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ có công văn chỉ đạo cụ thể về vấn đề này.
Chủ động ứng phó lũ lớn trên sông
Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các cấp, các ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân ở tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ rừng ngang bằng nhiều hình thức để thông báo, cảnh báo người dân; tăng cường tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền đến từng tổ chức, hộ gia đình.
Tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h: theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ trực ban 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố khi có sự cố, tình huống bất thường; duy trì liên lạc thường xuyên với các địa phương, đơn vị để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở. Chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán...