Theo thông tin từ người dân, Báo điện tử Đại biểu Nhân dân đã ghi nhận thực tế tại khu vực nêu trên. Theo đó, khu vực ngách 35 ngõ 76 phố An Dương gọi là ngách nhưng có mặt đường rộng, hai ô tô tránh nhau, như một con phố thu nhỏ.
Dọc hai bên đường xuất hiện hàng loạt các ngôi nhà cấp 4 hoặc xây thấp tầng mở kinh doanh, treo biển “cà phê âm nhạc”. Hằng ngày, từ khoảng 19 giờ, các quán đồng loạt lên nhạc, bật đèn màu, mở âm thanh cỡ lớn, náo loạn cả khu ngách 35.
Nhiều quán hát karaoke gây ồn ở ngách 35 ngõ 76 An Dương, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội
Ông Hải, một người dân ở khu vực này cho biết, trước đây khi khu vực ngách 35 còn thưa thớt dân cư chỉ có một, hai quán cho khách hát. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, khu dân cư này đã đông đúc cũng kéo theo xuất hiện hàng chục quán cho khách hát karaoke.
“Các quán này trước đây treo biển “hát cho nhau nghe” sau đó đồng loạt đổi sang “cà phê âm nhạc” và đều cho khách đến hát karaoke. Do vốn là nhà dân, không thực hiện thiết kế phòng cách âm theo tiêu chuẩn cho nên mỗi khi các quán mở nhạc to, âm thanh đều dội ra khu dân cư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nghỉ ngơi của người dân, đặc biệt là hàng xóm lân cận”, anh T, một người dân cho biết.
Quán hát karaoke dội “bom âm thanh” vào khu dân cư (thời điểm ghi hình lúc 23 giờ ngày 4.2.2023)
Đặc biệt, theo thông tin từ phía người dân cung cấp, kể từ khi TP. Hà Nội mở cao điểm kiểm tra vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke, khu vực ngách 35 này có nhiều người đến hát vì 100% cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố đã đóng cửa. Một số quán ở ngách 35 cho khách hát khuya, cá biệt có hôm 24 giờ đêm vẫn hát.
Dù các quán hát ở đây đều treo biển cà phê âm nhạc nhưng theo kiểm tra thực tế, khách đến đây để uống nước là phụ, hát mới là chính, nhiều khách đến trong tình trạng nồng nặc mùi bia, rượu. Đáng chú ý, một số quán ở đây còn có dịch vụ gọi nhân viên nữ đến hát cùng khách.
Người dân ở khu vực này từng nhiều lần phản ánh về việc ô nhiễm tiếng ồn tới cảnh sát khu vực, Công an phường Tứ Liên. Tuy nhiên, tình trạng này chưa được xử lý triệt để. Đặc biệt, công tác xử lý còn gặp khó khi Công an xuống kiểm tra, những chủ quán kinh doanh này lấy lý do “đây là người nhà đến hát”. Tuy nhiên, dù người nhà hay người lạ việc hát karaoke gây ồn, dội “bom âm thanh” vào khu dân cư như nêu trên là hành vi vi phạm quy định của Nhà nước cần phải xử lý triệt để.
Bên cạnh vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn, nguy cơ về mất an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các quán hát karaoke nêu trên là điều chính quyền địa phương cần vào cuộc ngay lập tức để kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm nếu có vi phạm.
Thực tế trong công tác quản lý, Công an TP. Hà Nội xếp các quán kinh doanh “cà phê âm nhạc” và “hát cho nhau nghe” vào diện nhạy cảm về an ninh trật tự vì có nhiều vụ việc tệ nạn xã hội đã xảy ra tại các cơ sở này.
TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã có lực lượng chuyên biệt xử lý ô nhiễm tiếng ồn, bao giờ đến Hà Nội ?
Thực trạng hát karaoke gây ồn trong những năm gần đây đã xảy ra trên khắp các địa phương, trong đó tập trung nhiều vào các đô thị lớn. Tại TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 4.2021, đã thành lập các đoàn kiểm tra cấp thành phố để kiểm tra những điểm nóng, bị người dân phản ánh nhiều lần về ô nhiễm tiếng ồn. Mỗi đoàn dự kiến có khoảng 100 người, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo, kế hoạch của lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh. Nếu phát hiện các cơ sở vi phạm nhiều lần chưa ký cam kết, lãnh đạo phường sẽ bị xử lý.
Tại Đà Nẵng, trong năm 2021, trước những bức xúc của người dân về vấn nạn sử dụng loa kéo hát karaoke trong khu dân cư vào đêm khuya và ngày càng phổ biến, một số địa phương tại thành phố Đà Nẵng đã thành lập tổ phản ứng nhanh xử lý ô nhiễm tiếng ồn.
Liên quan đến việc gây ô nhiễm tiếng ồn, theo Luật sư Vi Văn Diện, giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Điều 68 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7.7.2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định:
Hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn có thể bị phạt tới 160 triệu đồng đối với cá nhân; 320 triệu đồng với tổ chức. Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn mình quản lý, tùy mức độ vi phạm.
Tuy nhiên, khó có thể đo đạc mức độ gây ồn khiến việc xử lý của các cấp chính quyền gặp vướng mắc, hiệu quả chưa cao. Trên thực tế, một số địa phương chấn chỉnh khá tốt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư thông qua việc huy động lực lượng cảnh sát môi trường, công an các địa phương kiểm tra, xử lý thường xuyên, liên tục.
Đó là kinh nghiệm hay, có thể áp dụng tại các khu dân cư có tình trạng “ô nhiễm tiếng ồn” vì lực lượng công an, cảnh sát môi trường có thuận lợi là được phép mật phục để kiểm tra, nên dễ dàng tiến hành đo đạc, xác định mức độ vi phạm, làm căn cứ xử lý.