Xã hội

Hà Nội hạn chế xe xăng từ năm 2026Giải pháp quyết liệt chống ô nhiễm không khí

Mai Phương 18/07/2025 06:07

Với hơn 8 triệu phương tiện giao thông, đặc biệt là xe cũ trong nội đô, Thủ đô Hà Nội đứng trước thách thức lớn, đòi hỏi những giải pháp quyết liệt bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hướng tới tương lai xanh. Đây là nội dung được đưa ra thảo luận tại Tọa đàm: "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm
Các đại biểu tham gia Tọa đàm: "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. Ảnh: Mai Phương

Ô nhiễm không khí đô thị: áp lực từ phương tiện giao thông

Tham dự buổi Tọa đàm, Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, chất lượng không khí tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội đã suy giảm rõ rệt vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong hai năm đại dịch, khi các hoạt động sản xuất, giao thông và đi lại giảm thiểu, chất lượng không khí tại Hà Nội và các đô thị khác đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, từ năm 2023 và đặc biệt là năm 2024, khi nền kinh tế phục hồi, đường cong ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đã có xu hướng tăng trở lại.

Đáng lưu ý, Hà Nội đã trải qua một đợt ô nhiễm không khí kéo dài từ tháng 10/2024 đến tháng 4/2025. Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt các hoạt động phát thải gây ô nhiễm, chất lượng không khí đô thị sẽ tiếp tục bị suy giảm. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, phương tiện giao thông vận tải, đặc biệt là những phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.

Với dân số xấp xỉ 8,5 triệu người và hơn 8 triệu phương tiện giao thông, bao gồm 1,1 triệu ô tô và khoảng 6,9 triệu xe máy, Hà Nội đã và đang phải đối mặt với áp lực rất lớn. Riêng tại khu vực vành đai 1, trung tâm nội đô lịch sử, có tới 450.000 xe máy trên tổng số khoảng 600.000 dân, đáng lo ngại là 70% trong số này là xe cũ, góp phần đáng kể gây ra tình trạng ô nhiễm.

Hướng tới tương lai xanh cho đô thị

Ô nhiễm môi trường không chỉ hạn chế sự phát triển, mà còn có thể gây ra khủng hoảng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Từ góc nhìn y tế, tại buổi tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, PGS. TS. Nguyễn Văn Sơn cảnh báo, ô nhiễm không khí có thể tác động trực tiếp lên nhiều hệ cơ quan trong cơ thể như hệ tim mạch bị ảnh hưởng khi hóa chất và bụi siêu mịn gây xơ vữa động mạch, dẫn đến tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ; hệ miễn dịch suy giảm khi tiếp xúc ô nhiễm kéo dài, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và mãn tính.

Ô nhiễm còn có thể tác động lên hệ thần kinh, gây viêm và liên quan đến các bệnh thoái hóa như Alzheimer và Parkinson. Da và mắt cũng không ngoại lệ, ô nhiễm gây lão hóa da sớm, đốm sắc tố và tổn thương võng mạc; thực tế cho thấy số lượng bệnh nhân khám mắt tăng đột biến trong các đợt ô nhiễm. Về mặt xã hội, tình trạng bệnh nhân tăng cao gây quá tải cho các bệnh viện, làm suy giảm khả năng lao động và chất lượng cuộc sống chung - ông Sơn cho biết.

Đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng này, Chính phủ đã có những động thái quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng, chỉ thị này không chỉ giải quyết riêng vấn đề ô nhiễm không khí, mà còn cả nước thải và chất thải rắn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng cho rằng, Chỉ thị 20 đã cụ thể hóa nội dung triển khai Điều 28 Luật Thủ đô, yêu cầu TP. Hà Nội phải kiểm soát các vùng phát thải thấp; đây là một nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định rõ trong Chỉ thị 20. Để thực hiện, Hà Nội đã ban hành các nghị quyết dựa trên việc thiết lập các đề án quy định chi tiết về các vùng phát thải thấp này.

Ông Tuấn cũng cho biết, Chỉ thị 20 bao gồm nhiều lĩnh vực môi trường khác nhau, và Hà Nội đang triển khai các chương trình đa dạng; riêng đối với vấn đề phương tiện giao thông cá nhân sử dụng xăng, dầu, đây là nội dung đòi hỏi sự hài hòa, cân bằng giữa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, nhằm bảo đảm quá trình chuyển đổi vừa phù hợp vừa khả thi. Chỉ thị 20 đã đưa ra lộ trình rõ ràng và cụ thể: từ ngày 1/7/2026, sẽ không lưu hành xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu), khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện "sạch, xanh".

Đến ngày 1/1/2028, xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ không được phép lưu thông trong khu vực vành đai 1, đồng thời hạn chế ô tô trong vành đai 1 và 2. Đến năm 2030, dựa trên các điều kiện thực tế, việc kiểm soát sẽ được mở rộng đến vành đai 3 của Thủ đô. Mục tiêu này không chỉ giới hạn trong khu trung tâm mà còn bao trùm cả những khu vực trong vùng Thủ đô, nhằm giải quyết ô nhiễm một cách toàn diện.

Để triển khai hiệu quả lộ trình này, TP. Hà Nội sẽ chủ động nghiên cứu các chương trình, kế hoạch, biện pháp và giải pháp cụ thể. Đặc biệt, việc xây dựng một cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi phù hợp nhất cho người dân là yếu tố then chốt, đặc biệt là đối với những người đang sử dụng phương tiện chạy bằng xăng, dầu trong khu vực vành đai 1, trung tâm của Thủ đô.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hà Nội hạn chế xe xăng từ năm 2026 Giải pháp quyết liệt chống ô nhiễm không khí
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO