Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Sự kiện lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước giao lưu, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chủ thể OCOP.
Đây cũng là dịp để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện, liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Sự kiện lần này có quy mô 100 gian hàng và trên 2000 sản phẩm OCOP là đặc sản vùng miền của vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành khác trong cả nước như hàng nông sản sạch, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, gốm sứ, dệt may....
Tham gia sự kiện có 19 tỉnh, thành phố Nam Bộ gồm: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP. Cần Thơ. Ngoài ra, sự kiện còn thu hút có 21 tỉnh, thành khác trong cả nước như Phú Thọ, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bình Định, Sơn La, Ninh Bình, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Hà Giang, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Điện Biên.
Tại sự kiện, TP. Hà Nội có 60 gian hàng với trên 1.000 sản phẩm OCOP tham gia. Đến nay, Hà Nội đã đánh giá, công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP cả nước (chiếm 22%), trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao (chiếm 63,2%), 780 sản phẩm 3 sao chiếm 36%. Ngoài ra, sự kiện còn trưng bày 56 ảnh các tác phẩm đạt giải Hội thi sản phẩm làng nghề TP. Hà Nội năm 2023.
Tại đây, du khách sẽ được thưởng lãm tác phẩm “Tứ Linh Hội Tụ” biểu trưng cho sự kiện được kết tinh từ hoa quả tươi nhiều màu sắc và các sản phẩm OCOP do các nghệ nhân lành nghề thực hiện.
Các không gian trang trí đặc trưng của các tỉnh Nam Bộ và các làng nghề của Hà Nội như: nặn tò he, tăm hương Quảng Phú Cầu, nón làng Chuông, gốm Bát Tràng; hoa hồng Mê Linh, con đường đèn lồng sắc màu ánh sáng.... sẽ là nơi để quý khách lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng trong thời gian diễn ra sự kiện. Không gian trình diễn văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc vùng miền, như: thưởng ngoạn trà sen, bánh cuốn Thanh Trì, giò chả ước lễ, đặc sản ẩm thực Tây Bắc….
Không gian trình diễn văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc vùng miền, như: thưởng ngoạn trà sen, bánh cuốn Thanh Trì, giò chả ước lễ, đặc sản ẩm thực Tây Bắc…. Đặc biệt vào 20h mỗi tối từ ngày 4-6.11, tại sân khấu của sự kiện sẽ diễn ra chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật đắc sắc, với các tiết mục ca ngợi quê hương đất nước và chào mừng Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam.