Xã hội

Hà Nội: Dự án cống hoá “đắp chiếu” nhiều năm, tiền đền bù GPMB “đội giá” hơn 500 tỷ đồng, ai phải chịu trách nhiệm ?

Lê Tú 28/05/2025 09:48

Vì dự án chậm trễ nhiều năm nên đã có 3 lần phê duyệt điều chỉnh và sau mỗi lần điều chỉnh giá đền bù giải phóng mặt bằng tiếp tục bị đội lên cao hàng trăm tỷ đồng.

Hàng trăm người dân khổ vì một dự án dang dở

Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, Dự án Cống hóa và xây dựng tuyến đường từ nút rẽ ra phố Núi Trúc đến phố Sơn Tây, quận Ba Đình đoạn qua phố Giang Văn Minh, Phố Đội Cấn, thuộc phường Kim Mã và phường Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) được khởi công từ hàng chục năm trước nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Khu vực dự án bị biến thành điểm tập kết vật liệu xây dựng, rác thải, phế liệu..., hệ thống thoát nước không bảo đảm nên cứ mưa lớn là ngập khiến người dân tại đây nhiều năm phải sống chung với ô nhiễm.

Cơn mưa lớn khiến ngõ 42 Giang Văn Minh ngập sâu, nước cống tràn vào nhà dân (nguồn ảnh: Zing News)
Nhà người dân bị ngập nước do dự án cống hoá dang dở nhiều năm (nguồn ảnh: Zing News)

Sau khi báo Đại biểu Nhân dân phản ánh về thực trạng nêu trên, UBND Thành phố ban hành Công văn số 1209/UBND-TTĐT về việc kiểm tra thông tin báo điện tử Đại biểu nhân dân có đăng bài: "Hà Nội: Dự án đội vốn trăm tỷ "đắp chiếu" nhiều năm, người dân khổ sở vì rác thải, nước ngập khi mưa lớn".

Đáng chú ý, trực tiếp Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin báo điện tử Đại biểu nhân dân phản ánh, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).

images-9e65772248ce224ca3d03271401ecc1a64f1bc44bb5589f06be991839bd09d7668a253ef8f6ff8e98ae864d6fd72bf6d-_img-0291.jpg
Tình trạng úng ngập nước cống xảy ra tại ngõ 42 Giang Văn Minh (phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội)

Hồ sơ về dự án này thể hiện, Dự án Cống hóa và xây dựng tuyến đường từ nút rẽ ra phố Núi Trúc đến phố Sơn Tây là dự án giao thông có mục tiêu cống hóa mương Kẻ Khế để làm đường thông nhằm kết nối liên thông giữa tuyến đường Liễu Giai – Núi Trúc với phố Sơn Tây để giải quyết nhu cầu giao thông đi lại trên địa bàn quận Ba Đình, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Dự án được UBND Thành phố phê duyệt lần 1 tại Quyết định số 2447/QĐ-UBND ngày 26.6.2008 với Tổng mức đầu tư là 205,9 tỷ đồng (trong đó chi phí xây lắp là 55,9 tỷ đồng; chi phí GPMB là 122 tỷ đồng), thời gian thực hiện dự án là 2009-2010.

Đến tháng 11.2012, Dự án được UBND Thành phố phê duyệt lần 2 tại Quyết định số 5101/QĐ-UBND ngày 07.11.2012 với tổng mức đầu tư là 649,9 tỷ đồng (trong đó chi phí xây lắp là 82,7 tỷ đồng; chi phí GPMB là 526 tỷ đồng) với lý do điều chỉnh là cập nhật lại chế độ, chính sách và đơn giá xây dựng cũng như kinh phí GPMB tại thời điểm tổ chức đấu thầu và triển khai thi công.

Đến tháng 8.2013, Ban Quản lý dự án đã ký kết hợp đồng với các nhà thầu thi công và tổ chức khởi công trên một số đoạn đã có mặt bằng nhưng khối lượng có thể triển khai thi công được rất ít. Năm 2014, 2015 dự án không được bố trí vốn nên thời gian đó dự án không triển khai thêm được việc gì tại hiện trường. Dự án chưa bố trí được quỹ nhà tái định cư nên không triển khai công tác GPMB tiếp.

Đến tháng 11.2016, dự án được phê duyệt điều chỉnh lần 3 tại Quyết định số 6343/QĐ-UBND ngày 18.11.2016 của UBND Thành phố với Tổng mức đầu tư là 740,4 tỷ đồng (trong đó: chi phí xây lắp là 82,7 tỷ đồng; chi phí GPMB là 616 tỷ đồng) với lý do là điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và cập nhật lại chính sách đơn giá bồi thường GPMB theo thời điểm lập phương án.

Do vướng mặt bằng, dự án tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện theo các Quyết định: số 1696/QĐ-UBND ngày 09.4.2019; số 2401/QĐ-UBND ngày 31.5.2021; số 2130/QĐ-UBND ngày 12.4.2023; số 6370/QĐ-UBND ngày 11.12.2024 của UBND Thành phố Hà Nội. Thời gian hạn hoàn thành dự án: 31.12.2026.

Dự án từ 200 tỷ vọt lên hơn 700 tỷ, ai chịu trách nhiệm?

Nhìn vào quá trình triển khai dự án nêu trên có thể thấy vì dự án này chậm trễ nhiều năm nên đã có 3 lần phê duyệt điều chỉnh và sau mỗi lần điều chỉnh giá đền bù giải phóng mặt bằng tiếp tục bị đội lên cao.

Trong bối cảnh hiện tại, giá bất động sản ở Hà Nội đã tăng “phi mã” lên một mức “khó tưởng tượng” nếu như dự án cống hoá này không được triển khai đúng tiến độ, tiếp tục phải điều chỉnh sẽ không tránh khỏi khả năng bị đội giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

d42d38a3bfcd98980df53753cf513926a092e60fcc33c04fcfdcf60c3968ef108-_z6451003996769-a284a6a950f25a3ca0ff109c97383a3c-3631.jpg
Sau nhiều năm triển khai, dự án cống hoá mương Kẻ Khế vẫn ngổn ngang, vật liệu để thi công dự án để hoang phế ngoài trời hàng chục năm

Rõ ràng, việc một dự án mang tính dân sinh xã hội cấp thiết bị dở dang nhiều năm đã gây nên sự lãng phí vô cùng lớn cho nguồn lực ngân sách của thành phố. Đây là một điểm nghẽn cần nhanh chóng được UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ.

Bên cạnh đó, để xảy ra dự án bị “đội vốn” hàng trăm tỷ, cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai dự án. Việc giữa trung tâm Thủ đô vẫn tồn tại một dự án cống hoá dang dở gây ô nhiễm môi trường, cứ mưa lớn là nhà dân bị ngập sâu là không thể chấp nhận.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hà Nội: Dự án cống hoá “đắp chiếu” nhiều năm, tiền đền bù GPMB “đội giá” hơn 500 tỷ đồng, ai phải chịu trách nhiệm ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO