Hà Nội dạy lịch sử qua tên phố

Diệu Linh 10/02/2012 08:12

Dịp này, nhiều người dân đi trên các tuyến phố thuộc trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bị thu hút bởi những dòng chữ nhỏ bên dưới tên các danh nhân được đặt cho tên đường phố. Phần phụ đề này giúp nhiều người hiểu thêm về các danh nhân trong lịch sử, về ý nghĩa của tên phố, tên đường.

Hà Nội dạy lịch sử qua tên phố ảnh 1
Ảnh: N.Phong

Hiểu thêm tên phố

Trên tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm, những tấm biển báo tên đường có thêm phần chú thích được dựng lên trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Những tấm biển này được dựng mới ở đầu tuyến phố và tách riêng với những tấm biển tên đường phố có trước đó. Chị Thanh Hằng, một khách du lịch nhận xét, cách ghi phụ đề này rất hay, giúp mọi người hiểu ý nghĩa tên của tuyến phố. “Giờ tôi mới biết Lê Lai là tướng của Lê Lợi, có công trong kháng chiến chống quân Minh vào đầu thế kỷ XV. Việc gắn tên biển có ghi chú thích như thế này giúp những người Việt trẻ tuổi như chúng tôi hiểu hơn về lịch sử dân tộc”.

Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội, Ts Nguyễn Thị Dơn cho biết: việc ghi chú thích tên đường phố là một sự thay đổi so với cách gắn biển trước đây. Những chú thích đợt thử nghiệm này mới chỉ dừng lại ở tên một số phố chính là các anh hùng dân tộc. Việc mở rộng cần có những tiêu chí rõ ràng bởi tên đường phố Hà Nội có nhiều loại như về danh nhân, nghề cổ truyền, địa danh, sự kiện lịch sử và dạng tên khác như trong phố cổ Hà Nội có phố Hàng Bạc, Hàng Mã... “Theo ghi nhận ban đầu, việc ghi chú thích tên đường phố thời gian qua nhận được phản ứng tích cực của người dân, bởi đây là cách học lịch sử qua một cách tiếp cận khác, ngắn gọn, dễ nhớ hơn. Ví dụ như ghi rõ ngày tháng năm sinh, ngày mất thì người dân không thể nhầm ông Phan Đình Phùng là em ông Phan Đình Giót. Đồng thời người dân và khách du lịch cũng hiểu rõ hơn công trạng của những danh nhân trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc”, Ts Nguyễn Thị Dơn cho biết thêm.

Sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng

Đại diện truyền thông FPT, đơn vị triển khai dự án này cho biết, đây là dự án nằm trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, do có nhiều thủ tục về lắp đặt cũng như nội dung chú thích phía dưới nên dự án được chuyển sang tiếp năm 2011. Trước mắt, việc cắm biển đang được triển khai tại 30 tuyến phố để lấy ý kiến phản hồi của nhân dân trước khi tiếp tục triển khai nhân rộng. Đại diện FPT từ chối cung cấp thông tin chi tiết về dự án với lý do đây là thời điểm nhạy cảm.

Được biết, sau khi FPT có đơn xin triển khai dự án gắn biển có ghi chú thích tên đường phố, dự án đã được Văn phòng UBND TP Hà Nội giao Sở VH, TT và DL và Sở GT - VT có ý kiến để triển khai. Theo đó, nội dung phụ đề ghi trên biển do Sở VH, TT và DL duyệt. Sở VH, TT và DL đã có Công văn ngày 8.8.2011 xin ý kiến của Ban Tuyên giáo Thành ủy góp ý vào nội dung biển phụ đề giới thiệu truyền thống lịch sử tên một số đường phố để FPT thực hiện. Đến ngày 5.10.2011, sau khi Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội có văn bản thẩm định, Sở VH, TT và DL đã tiến hành chỉnh sửa một số nội dung trên biển phụ đề sao cho ngắn gọn, súc tích. Đến đầu tháng 12.2011, Sở VH, TT và DL mới đồng ý về mặt nội dung và đề nghị Sở GT - VT cho triển khai thực hiện. Đầu năm 2012, dự án mới hoàn thành việc cắm biển ghi phụ đề tại 30 tuyến phố.

Theo Ts Nguyễn Thị Dơn, hiện vẫn chưa có tiêu chí cụ thể cho phần ghi nội dung chú thích. Thực tế, trong đợt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một số đơn vị truyền thông có đề nghị triển khai vấn đề này, trong đó kèm theo đề nghị đặt logo doanh nghiệp trên biển báo, nhưng Hội đồng đặt tên đường phố Hà Nội đã bác bỏ. Tại các biển tên đường đang thí điểm ghi chú thích chỉ có logo thành phố Hà Nội. Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh cũng có một đợt treo tờ phướn chú thích tên đường phố nhưng sau một thời gian gió thổi làm xô lệch, rách và có sự tranh chấp việc đặt những tờ phướn này giữa Sở GT - VT và Sở VH, TT và DL nên sau đó những tờ phướn đó bị gỡ bỏ. “Đây là lần đầu tiên Hà Nội triển khai việc này nên cần làm cẩn trọng, lấy ý kiến của dư luận trước khi nhân rộng. Đây cũng là việc làm xã hội hóa có ý nghĩa cần được cơ quan chức năng quan tâm để có thể triển khai thực hiện tiếp ý tưởng này”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hà Nội dạy lịch sử qua tên phố
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO