Hà Nội đặt mục tiêu tạo việc làm cho 10 nghìn lao động nông thôn

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 00:30 - Chia sẻ
Năm nay, Hà Nội dành 28 tỷ đồng để triển khai các hoạt động khuyến công, hướng tới mục tiêu tạo việc làm và thu nhập cho trên 10 nghìn lao động khu vực nông thôn.

Đào tạo nghề là điểm sáng

Trong năm nay Hà Nội sẽ triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Mục tiêu cụ thể là hỗ trợ truyền nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ cho 1.650 lao động nông thôn; hỗ trợ 400 lượt cơ sở tham gia hội chợ trong nước, nước ngoài; hỗ trợ 15 cơ sở đầu tư thiết bị mới tiên tiến hiện đại vào sản xuất; tư vấn thiết kế 350 mẫu sản phẩm mới. Đồng thời, Hà Nội sẽ hỗ trợ tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho 1.750 lượt cán bộ quản lý doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; tạo việc làm và thu nhập cho trên 10.000 lao động khu vực nông thôn.

Hoạt động truyền nghề là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác khuyến công trên địa bàn Hà Nội. Lao động tại các làng nghề chủ yếu làm theo thời vụ. Họ không được đào tạo cơ bản nên ý thức lao động, kỷ luật, năng suất lao động thấp; chưa có tư duy sáng tạo trong sản xuất, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Chủ tịch Hợp tác xã khảm trai Chuôn Thượng (huyện Phú Xuyên) Vũ Văn Ca chia sẻ, trong làng có sẵn nghệ nhân, tay nghề ổn định nhưng đa phần đã lớn tuổi. Trong khi đó, nhiều người trẻ đã chuyển sang nghề khác, không theo nghề cha ông để lại do làng nghề đã từng trải qua giai đoạn khó khăn, thị trường tiêu thụ bị suy giảm.

Đại diện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trung tâm) cho biết, đã có kế hoạch phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, các hội, hiệp hội nghề và các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất  tổ chức 47 lớp truyền nghề, cấy nghề. Mỗi khóa học kéo dài 3 tháng, gắn lý thuyết với thực hành, giáo viên là các nghệ nhân, thợ giỏi trong nghề. Mục tiêu là kết thúc truyền nghề, cấy nghề trung bình có khoảng 80% số lao động được các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn bố trí việc làm với thu nhập ổn định bình quân đạt trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Đào Hồng Thái, đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn không chỉ giúp người lao động có việc làm, tăng thu nhập mà còn góp phần xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn Hà Nội. Thông qua đó, giúp các làng nghề giữ được nghề và phát triển bền vững hơn. Đây là một trong những điểm sáng trong hoạt động khuyến công của Hà Nội. Ông Thái cũng cho biết, để tăng hiệu quả đào tạo nghề, Trung tâm đã phối hợp với Phòng kinh tế các huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội khảo sát để lựa chọn các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn có khả năng tiếp nhận lao động và bao tiêu sản phẩm cho các học viên để tổ chức các lớp truyền nghề. Nhờ vậy, sau khi hoàn thành các lớp truyền nghề, đa phần các học viên đều có việc làm và thu nhập ổn định hơn.


Đào tạo nghề được xem là điểm sáng trong công tác khuyến công của TP Hà Nội

Đưa công nghệ vào sản xuất

Công tác khuyến công được triển khai đồng bộ, rộng khắp trên địa bàn 17 huyện, thị xã đã khuyến khích và thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tại xã Vân Hà (huyện Ðông Anh) có hơn 80% số hộ dân làm nghề gỗ, trước đây, hầu hết các hộ đều sử dụng máy điêu khắc bán tự động thế hệ cũ, hiệu suất thấp. Trước tình trạng này, Trung tâm hỗ trợ Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp, thương mại tổng hợp, dịch vụ làng nghề Vân Hà đầu tư máy công nghệ cao điêu khắc tượng gỗ tự động. Với máy móc mới, chỉ cần bấm nút, máy tự động đục tất cả chi tiết của sản phẩm. Còn tại cơ sở sản xuất Trung Kiên - hộ sản xuất miến lớn nhất xã Minh Khai (huyện Hoài Đức), với kinh phí hỗ trợ của Trung tâm, đã đầu tư dàn máy sấy trị giá gần 5 tỷ đồng vào giữa năm ngoái. Nhờ đó, miến không phải phơi ngoài trời mà được sấy tự động, năng suất cao gấp 3 lần so với trước, sản phẩm sạch, chất lượng tốt hơn.

Từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ hơn 100 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ, riêng năm 2019, thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, thành phố  hỗ trợ 15 cơ sở sản xuất với kinh phí gần 5 tỷ đồng. Hoạt động này không chỉ khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Năm nay, Hà Nội dự định tiến hành xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 làng nghề và phấn đấu nâng tỷ trọng sản xuất làng nghề chiếm khoảng 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Nhật Trường