Hà Nội đã thay đổi thế nào?

Lê Thư 14/09/2015 08:28

Ai còn giữ được đến giờ/ Cho tôi chuộc lại ngày xưa của mình? - một người yêu Hà Nội chợt thảng thốt trước Hà Nội thay đổi mạnh mẽ. Nhà thơ Vi Thùy Linh dẫn câu nói của nhà triết học Heraclitus: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông” để khẳng định mọi thứ đều thay đổi và Hà Nội không nằm ngoài quy luật đó.

Tìm về dấu xưa

Vi Thùy Linh yêu một Hà Nội của ký ức. Đó là Hà Nội với những con phố thơm mùi hoa sữa, ngập sắc tím bằng lăng, có những gánh hàng hoa, hàng rong và thỉnh thoảng vang tiếng còi leng keng của tàu điện. “Thế mạnh của tôi là văn chương và tôi tập trung vào vùng ký ức về Hà Nội mà tôi gìn giữ. Ký ức đó như Nguyễn Huy Tưởng viết trong Hà Nội dấu xưa, lùi một thời gian sau như ông viết trong Đêm hội Long Trì, lùi xa nữa là An Dương Vương xây thành Ốc. Ký ức đó là Hà Nội thế kỷ XX trong văn Nguyễn Tuân với những tùy bút về linh hồn Hà Nội gắn với danh từ “phở” cùng với “áo dài” và “nước mắm” đã được đưa vào từ điển Pháp…”.

Hà Nội thay đổi như thế nào - Một tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn
Hà Nội thay đổi như thế nào - Một tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn

Khi nhân chứng của ký ức là những con người sống với Hà Nội, vì Hà Nội lần lượt ra đi, sẽ đồng thời lấy đi phần nào hồn cốt của Hà Nội trong lòng mỗi con người. Sự cô đơn, hoài niệm khiến biết bao lần Vi Thùy Linh cố kiếm tìm Hà Nội ở chính giữa Hà Nội. Đó là một hành trình lùi về quá khứ bằng ký ức và hành trình tìm dấu xưa Hà Nội trong những tích cổ, những bản đồ, tài liệu cổ về Hà Nội. Tuy nhiên, theo Vi Thùy Linh, chúng ta đang “cất giữ tâm hồn mình một cách quá sơ sài”. Hệ thống bản đồ, hình ảnh, tài liệu về Hà Nội hầu như rất ít và chưa xứng tầm với lịch sử của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Chấp nhận cái mới của Hà Nội

Họa sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn từng tổ chức nhiều triển lãm cho thấy những thay đổi cơ bản của Hà Nội có thể nhìn rõ hằng ngày. Đó là “cây tự nhiên” bị thay thế bởi “cây cột điện” giăng dây chằng chịt. Đó là sự biến đổi về kiến trúc các ngôi nhà…“Khi thực hiện dự án Nhà mặt phố, tôi nhìn thấy một Hà Nội rất khác. Tôi từng được sống trong một ngôi nhà cổ, trong một ngôi nhà kiểu Pháp, và bây giờ, giữa Hà Nội, tôi thấy cả một series nhà hình ống với những khối bê tông với tầng cao giăng đầy biển quảng cáo. Đặc biệt, những người sống trong ngôi nhà đó hầu như không phải chủ nhà mà chỉ là người thuê nhà để kinh doanh. “Mặt tiền” của những ngôi nhà Hà Nội đã trở thành “tiền mặt” và không gian riêng tư của một gia đình bị biến thành không gian công cộng, cho thuê”.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cũng chỉ ra nét đặc trưng của nhà Hà Nội thế kỷ XX là việc đặt tên cho ngôi nhà, khiến cho mặt tiền của mỗi ngôi nhà đồng thời là nơi lưu trữ lịch sử, in hằn lớp lang văn hóa của Hà Nội. Thế nhưng, lớp lang ấy đã bị phá bỏ và thay thế một cách không thương tiếc. Thậm chí, nhiều đình cổ Hà Nội còn sót lại đến giờ cũng bị biến hình thành quán cà phê, quán bar, nhà nghỉ hoặc trở thành trụ sở cơ quan nhà nước...

Nhớ một Hà Nội trong ký ức tuổi thơ, nghĩ về một Hà Nội đi vào văn chương, nhạc họa, nhà thơ Vi Thùy Linh không ngần ngại chỉ ra hình ảnh “Hà Nội bị gù” với những ngã tư cầu vượt và hàng trăm công trình trên không che khuất tầm mắt; “Hà Nội rất xấu” khi những hàng cây xanh bị chặt phá, hồ nước bị san lấp để dành chỗ cho khách sạn, nhà hàng… “Nét đẹp của Hà Nội không nằm ở dung nhan mà ở linh hồn, nhưng “cô gái Hà Nội” hôm nay đang đúc linh hồn mình trong những khối bê tông vô cảm” - Vi Thùy Linh nói.

Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, từ địa giới hành chính, dân số đến các giá trị văn hóa... Những thay đổi đó một phần do dòng người khắp nơi đổ về Thủ đô quá nhanh nhưng không ít người chưa có ý thức bồi đắp văn hóa cho Hà Nội và ngay cả người Hà Nội cũng dần quên lưu giữ những lằn ranh văn hóa của mình. Tuy nhiên, với những con người đang sống hoặc không sống ở Hà Nội vẫn sẽ hướng về Hà Nội, chứng kiến sự thay đổi của Hà Nội và chấp nhận cái mới của Hà Nội theo cách riêng. “Chúng ta không thể so sánh Hà Nội ngày xưa với Hà Nội ngày nay. Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng cuối cùng vẫn trở về Hà Nội. Tôi thích Hà Nội dù nó thay đổi rất nhiều. Dù vận động thế nào thì Hà Nội cũng có những ưu điểm khác, tôi mong giớái trẻ sẽ nhìn ra sự đáng yêu này và vẫn sẽ yêu quý Thủ đô của chúng ta như bây giờ” - KTS Phó Đức Tùng chia sẻ.

 “Văn hóa phong tục ở bất cứ thời kỳ nào cũng có điều tốt, điều xấu. Chúng ta không nên nghĩ cứ thay đổi là xấu, quá khứ cũng có những hạn chế, khiếm khuyết của nó. Hà Nội cũng cần phải thay đổi, vận động để bỏ đi những khiếm khuyết ấy. Và thay đổi cũng có nghĩa là kế thừa những giá trị tốt đẹp. Hãy nghĩ đến việc thế hệ sau 60 năm nữa ao ước được trở về thời đại lúc này, cũng như chúng ta đang ao ước được trở về với Hà Nội ngày xưa vậy”.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hà Nội đã thay đổi thế nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO