Cắt giảm biên chế theo tỷ lệ 1,5% trong năm 2024
Nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị được ổn định về nhân sự sau sắp xếp tổ chức bộ máy và thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về kế hoạch biên chế năm 2024, UBND thành phố đề xuất nguyên tắc giao biên chế năm 2024. Đối với biên chế hành chính, giao biên chế năm 2024 cho các đơn vị bằng số giao năm 2023 (trừ các đơn vị có sắp xếp lại tổ chức bộ máy và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua). Các năm tiếp theo, căn cứ tình hình thực tiễn và kết quả trình sửa đổi Luật Thủ đô, UBND thành phố sẽ chỉ đạo xây dựng phương án cắt giảm biên chế để bảo đảm chỉ tiêu tinh giản của Bộ Chính trị giao. Đối với biên chế công chức phường, giữ nguyên theo số lượng công chức trung ương giao.
Theo đó, Nghị quyết thống nhất giao chỉ tiêu biên chế công chức hành chính cấp huyện trở lên và biên chế công chức phường thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị là 10.565 biên chế. Cụ thể, biên chế công chức hành chính cấp huyện trở lên là 7.940; biên chế công chức phường theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP là 2.625.
Biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công lập là 113.537 biên chế. Số lượng cán bộ phường, cán bộ, công chức xã, thị trấn là 9.688 chỉ tiêu; số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 8.037 chỉ tiêu. Chỉ tiêu lao động hợp đồng hỗ trợ phục vụ theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP là 11.840 chỉ tiêu, trong đó: Khối các cơ quan hành chính là 1.432 chỉ tiêu; khối các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố là 10.408 chỉ tiêu.
Lao động hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ tại nhóm 4 thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP là 2.374 chỉ tiêu. Trong đó, đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành là 7 chỉ tiêu; đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND quận, huyện thị xã là 2.367 chỉ tiêu. Lao động hợp đồng định mức tại các đơn vị sự nghiệp công lập là 8.113 chỉ tiêu.
Sau khi HĐND thành phố ban hành nghị quyết, UBND thành phố triển khai giao biên chế hành chính, sự nghiệp; số lượng cán bộ phường; cán bộ, công chức xã, thị trấn; số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; chỉ tiêu lao động hợp đồng trong trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng Nghị quyết của HĐND thành phố cùng với giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội để các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện ngay từ đầu năm.
Trong năm 2024, nếu có phát sinh (tăng hoặc giảm) so với Nghị quyết HĐND về biên chế hành chính, sự nghiệp, UBND thành phố sẽ báo cáo Thường trực HĐND thành phố trước khi thực hiện và báo cáo HĐND thành phố vào kỳ họp trong năm 2024. Ngoài ra, đối với các nhiệm vụ khác, UBND thành phố xem xét giao chỉ tiêu biên chế, chỉ tiêu lao động hợp đồng theo thẩm quyền làm cơ sở cấp kinh phí để các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thực hiện Kết luận số 972-TB/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về phương án giao chỉ tiêu biên chế năm 2023 và kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2024 - 2026 của hệ thống chính trị thành phố, phương án tinh giản biên chế công chức hành chính khối chính quyền TP. Hà Nội năm 2024, cắt giảm biên chế theo tỷ lệ 1,5%; năm 2025, cắt giảm biên chế theo tỷ lệ 1,5%; năm 2026, cắt giảm biên chế theo tỷ lệ 2%. Đối với biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước thực hiện cắt giảm theo tỷ lệ: năm 2024 cắt giảm biên chế theo tỷ lệ 2%; năm 2025 cắt giảm biên chế theo tỷ lệ 2%; năm 2026 cắt giảm biên chế theo tỷ lệ 2%.
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở
Cũng tại kỳ họp, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP. Hà Nội Khóa XVI đã thông qua Nghị quyết Quy định việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố. Theo nghị quyết, đối tượng áp dụng là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố giai đoạn 2022 - 2025, có trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 do UBND cấp xã quản lý và là hộ độc lập có thời gian tách hộ tính đến tháng 10.2023 tối thiểu 3 năm.
Cụ thể, thành phố hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở với mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/nhà xây dựng và 30 triệu đồng/nhà sửa chữa. Ủy thác qua Chính sách Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở; mức vay tối đa là 50 triệu đồng/nhà; lãi suất cho vay là 3%/năm.
Hỗ trợ lãi suất vay (3%/năm) đối với hộ nghèo, cận nghèo vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, thời hạn cho vay tối đa 15 năm.
Kinh phí quản lý, tổ chức triển khai thực hiện công tác hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức tối đa không quá 0,5% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ và vốn vay Chi nhanh Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện theo quy định.
Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách cấp Thành phố bổ sung; nguồn Ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố; kinh phí quản lý, tổ chức triển khai thực hiện theo phân cấp. Thời gian thực hiện hoàn thành trước ngày 30.9.2024.
HĐND thành phố giao UBND thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, thực hiện hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định.
Trước đó, theo Tờ trình của UBND thành phố, đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố có 2.134 hộ nghèo và 22.263 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, chỉ có 890 hộ nghèo, hộ cận nghèo đề nghị hỗ trợ xây dựng, sửa, chữa nhà ở. Trong báo cáo thẩm tra, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố làm rõ, hiện trên địa bàn thành phố có bao nhiêu nhà ở của hộ nghèo và hộ cận nghèo hư hỏng, xuống cấp thuộc đối tượng được hỗ trợ nhưng không có nhu cầu đề nghị hỗ trợ.
"Đối với những trường hợp như vậy, thành phố sẽ có giải pháp gì để đạt mục tiêu đến 10.10.2024 trên địa bàn Thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng, xuống cấp. Đồng thời, làm rõ tiêu chí nhà ở hư hỏng, xuống cấp và rà soát kỹ các đối tượng hỗ trợ tránh bỏ sót", báo cáo thẩm tra nêu rõ.