Hà Nội: Chủ động phòng chống thiên tai

- Thứ Sáu, 03/12/2021, 08:47 - Chia sẻ
Với tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả nên thời gian qua công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó phải kể đến công trình đê, điều, hồ đập được đảm bảo an toàn, không để ra tình trạng khô hạn thiếu nước, ngập úng kéo dài ảnh hưởng tới năng suất cây trồng và đời sống sinh hoạt của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra…

Sẵn sàng khi có tình huống thiên tai, sự cố xảy ra

Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2021, tình hình thiên tai khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nhiều điểm phức tạp, xuất hiện 06 cơn bão và 02 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó bão số 2 và số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Hà Nội. Trong tháng 10, xuất hiện liên tiếp các cơm bão  số 7 và số 8 ảnh hưởng đến Hà Nội. Theo đó trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vị trí sụt lún, sạt lở công trình đê điều, thủy lợi, bờ bãi sông trên địa bàn một số huyện

Trước những khó khăn, thiệt hại do thiên tai gây ra TP. Hà Nội đã ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2021 đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng khi có tình huống thiên tai, sự cố xảy ra.

Diễn tập phòng chống thiên tai với sự tham gia của người dân tại Hà Nội
Diễn tập phòng chống thiên tai với sự tham gia của người dân tại Hà Nội

Khi xảy ra thiên tai, Chi cục phòng chống thiên tai Hà Nội đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Hà Nội với vai trò là cơ quan thường trực Phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố thường xuyên, kịp thời kiểm tra hiện trường, chỉ đạo trực tiếp trong công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tham mưu chỉ đạo, huy động vật tư, lực lượng phương tiện theo phương châm “04 tại chỗ”, đảm bảo kịp thời trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Xác định việc giảm thiểu thiệt hại phụ thuộc nhiều vào cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhận thức của một bộ phận người dân về phòng chống thiên tai còn hạn chế. Điều đó có thể thấy ngay ở sự chủ quan của người dân hay tình trạng vi phạm hành lang đê điều, thủy lợi vẫn còn khá phổ biến.

 

Nguyên nhân của tình trạng này một phần do cơ quan chức năng thiếu các hình thức tuyên truyền về thiên tai, pháp luật. Bên cạnh đó, các chính sách cụ thể để người dân, trong đó có các doanh nghiệp chủ động tham gia vào công tác phòng chống thiên tai còn thiếu và bất cập.

Chính vì vậy, điều cần thiết mà người dân mong muốn ở đây là được bổ sung kiến thức, được cập nhật thông tin và được nâng cao nhận thức, kiến thức của mình trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, qua đó tăng khả năng ứng phó cho cộng đồng và cho chính gia đình của họ.

Xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ sông Hồng tại xã Tản Hồng (huyện Ba Vì), góp phần bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão
Xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ sông Hồng tại xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, góp phần bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão

Trên cơ sở thực tế từng địa phương, các cơ quan chức năng đã xác định từng loại hình thiên tai ở khu vực đó và đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời đẩy mạnh phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai cho từng nhóm cộng đồng. Bên cạnh đó, các địa phương cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tập huấn, diễn tập phòng chống thiên tai, hoạt động thông tin tuyên truyền tới từng bản làng, thôn xóm.

 Thông qua đào tạo, tập huấn sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ bản chất rủi ro thiên tai, từ đó có sự chủ động, chuẩn bị tốt các biện pháp phòng tránh. Người dân chủ động có phương án giảm nhẹ rủi ro thiên tai cấp độ gia đình; có các biện pháp để tự khắc phục những thiệt hại có thể có nếu thiên tai xảy ra trong khả năng của hộ gia đình trước khi yêu cầu trợ giúp từ bên ngoài.

Bảo Ngân