-80% tỷ lệ học viên, học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp
Sáng 14.11, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17.3.2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025.
Trên địa bàn thành phố hiện có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 69 trường cao đẳng, 83 trường trung cấp, 48 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 134 doanh nghiệp, loại hình khác. Hà Nội có 19 trường trung cấp, cao đẳng công lập trực thuộc (10 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp).
10 tháng năm 2023, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tuyển sinh đạt 220.800 người, đạt 96% kế hoạch tuyển sinh năm 2023, tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70-80%. Nhiều ngành nghề, học sinh, sinh viên ra trường được tuyển dụng 100%, như: kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa...
Công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp luôn được thành phố quan tâm chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 3.000 lượt doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng, như: Tiếp nhận 104.053 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; 1.705 doanh nghiệp tuyển dụng 397.901 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp; 1.301 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo đối với 328.063 học sinh, sinh viên…
Chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS của Chính phủ nói chung và của thành phố nói riêng đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực. Cụ thể, chính sách này mở ra nhiều cơ hội cho học sinh và phụ huynh khi quyết định hướng đi cho tương lai, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và lực học của học sinh cũng như xu hướng phát triển của xã hội và thị trường lao động.
Dù vậy, công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tâm lý trọng bằng cấp vẫn phổ biến. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề...
Sớm tháo gỡ khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thuận lợi cũng như khó khăn, kiến nghị cho công tác tuyển sinh, đào tạo và phân luồng học sinh tham gia học cấp giáo dục nghề nghiệp; vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng phát triển trường chất lượng cao, nghề trọng điểm; công tác tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ.
Cùng với đó là vấn đề hợp tác công tư; tiếp cận và tiếp nhận các nguồn tài trợ của doanh nghiệp trong và ngoài nước cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; vấn đề biên chế, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, nghiệp vụ cho nhà giáo…
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đã giải đáp kiến nghị của các nhà trường về công tác phân luồng tuyển sinh vào THPT và đại học, cao đẳng hằng năm trên địa bàn thành phố cũng như việc chia sẻ cơ sở dữ liệu của các trường THCS để góp phần phân luồng học sinh đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Tuấn cũng đề nghị các trường giáo dục nghề nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ tốt hơn việc dạy và học của nhà trường.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục thời gian qua của thành phố mới chỉ dừng lại ở giáo dục phổ thông, Trường Đại học Thủ đô, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dù được đầu tư nhưng chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Chia sẻ với khó khăn mà các trường đang gặp phải, trong đó có tự chủ tài chính, công tác tuyển sinh… Phó Bí thư Thành ủy ghi nhận, công tác đào tạo nghề vẫn có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô.
Giáo dục nghề nghiệp cùng với giáo dục phổ thông hình thành nên hệ thống giáo dục hoàn chỉnh và mỗi loại hình có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô.
Phó Bí thư Thành ủy cho biết, theo xu hướng của thế giới, phải phân luồng học sinh từ sớm. Vì thế, hệ thống trường nghề có vai trò quan trọng trong đào tạo nghề, phổ cập kiến thức nghề và đào tạo nghề ngắn hạn… Bên cạnh đó, các trường nghề cần có vai trò quan trọng hơn trong việc vừa đào tạo nghề, vừa góp phần bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống của Hà Nội - nơi tập trung hơn 1.300 làng nghề, làng có nghề.
Từ thực tế hoạt động của các trường cao đẳng, trung cấp công lập hiện nay, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị UBND thành phố sớm có quy hoạch mạng lưới các trường nghề theo đúng định hướng của thành phố giai đoạn 2030-2045. Trong đó, sớm tháo gỡ những khó khăn cho các nhà trường khi thực hiện tự chủ tài chính; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề chất lượng cao; đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ giảng viên tại các trường nghề.