Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Theo Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, trước đây, nền sản xuất nông nghiệp truyền thống của Việt Nam theo hướng hữu cơ, bảo đảm an toàn. Quá trình phát triển, để đáp ứng yêu cầu số lượng nên phải dùng hóa chất, làm phá vỡ cân bằng sinh thái, cùng với đó là công nghiệp chế biến phát triển các chất bảo quản, chất cấm và các hành vi vi phạm quy định đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Theo đó, những năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thực hiện nhiều chương trình hợp tác về bảo đảm chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản. Có thể kể đến dấu mốc quan trọng như: năm 2015, Bộ NN - PTNT phối hợp với UBND thành phố ký kết chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội. Theo đó, giai đoạn 2015 - 2020, đã có 21 tỉnh, thành phía Bắc ký kết với ngành nông nghiệp thành phố. Kết quả, trên 600 chuỗi, trên 10% sản phẩm được đưa vào theo chuỗi được kiểm soát chất lượng, ATTP.
Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN - PTNT Hà Nội phối hợp với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng và phát triển hơn 1.000 chuỗi; 100% số chuỗi cung cấp từ các tỉnh, thành của Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương. Trong đó, 40% số chuỗi cung ứng sản phẩm cho thành phố có ít nhất 1 công đoạn được chứng nhận sản xuất theo một trong các tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO22000, hữu cơ. Các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản cho thành phố Hà Nội có khả năng cung ứng trên 92.623 tấn rau, củ, quả/tháng, trên 13.198 tấn thịt/tháng; trên 31,3 triệu quả trứng/tháng; trên 11.350 tấn thủy sản/tháng; trên 232.522 tấn gạo, lương thực, nông sản khác/tháng. Công tác xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng bảo đảm ATTP giúp tăng cường mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến với hệ thống phân phối, giúp cơ sở sản xuất chủ động được đầu ra và nguồn hàng, hình thành các chuỗi liên kết bền vững, ổn định.
Cũng trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ATTP nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản trên thị trường, góp phần minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, từ đầu năm 2024 đến nay, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục duy trì “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn). Hệ thống đã hỗ trợ, hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.507 cơ sở và 13.949 sản phẩm; duy trì, phát triển, tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội trên Hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS ứng dụng quản lý ATTP nông, lâm sản, nhằm tăng cường công tác quản lý ATTP của ngành nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Nâng cao năng lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Quyết định số 4227 ngày 15.8.2024 về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản thành phố đến năm 2030. Đề án nhằm mục tiêu nâng cao năng lực hoạt động quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản; duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất tại Hà Nội và kiểm soát toàn diện chất lượng, ATTP sản phẩm từ các tỉnh, thành trong cả nước và sản phẩm nhập khẩu đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Đồng thời, phát triển bảo quản, chế biến, chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, chất lượng, giá trị gia tăng cao…
Mục tiêu cụ thể của đề án là 100% cán bộ làm công tác quản lý chất lượng, ATTP, chế biến và phát triển thị trường, hội viên các Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên các cấp được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về lĩnh vực quản lý chất lượng, ATTP; 100% người quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có kiến thức, thực hành đúng về ATTP… Ngoài ra, duy trì diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 15%/năm. Phấn đấu 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trong mạng lưới ứng dụng công nghệ cao, hiện đại bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; giảm 50% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ…
Sở NN - PTNT được giao tổ chức phổ biến, tập huấn, cập nhật kịp thời quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thông tin thị trường về chất lượng, ATTP tại Việt Nam và nước có doanh nghiệp của Hà Nội xuất khẩu. Sở Công thương bảo đảm ATTP theo quy định; đồng thời, phối hợp với Sở NN - PTNT, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, có nhãn hiệu, thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao truy xuất nguồn gốc rõ ràng của các vùng sản xuất tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối trên địa bàn. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kêu gọi, hướng dẫn phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại, hình thành mạng lưới logistic, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người dân sinh sống trên địa bàn.
Chương trình có sự phối hợp của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường