Hà Nội 40 năm sau Điện Biên Phủ trên không

- Chủ Nhật, 15/01/2012, 07:50 - Chia sẻ
Những ngày mùa đông tháng 12.1972, cả Hà Nội rực lửa với 12 ngày đêm đất rung, ngói tan, gạch nát. Hà Nội anh dũng, kiên cường đã khuất phục “pháo đài bay B52” và làm nên Điện Biên Phủ trên không… Sau gần 40 năm, Hà Nội hôm nay đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Ngày 18.12.1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh bắt đầu chiến dịch Linebacker 2, dùng máy bay chiến lược B52, cường kích tàng hình F111A và hàng ngàn chiến đấu cơ tiêm kích chiến thuật, cùng sự hỗ trợ của 5 tàu sân bay tấn công Hà Nội, Hải Phòng với mục đích “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”. Với kế hoạch này, từ ngày 18 - 29.12.1972, 12 ngày đêm Hà Nội rực lửa với đất rung, ngói tan, gạch nát. Nhưng, quân và dân Hà Nội đã hiệp đồng tác chiến với cách đánh mưu trí, dũng cảm, sáng tạo làm lưới lửa của tên lửa phòng không, pháo phòng không các loại, bủa vây máy bay Mỹ. Sau cùng, hơn 80 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 32 chiếc là B52, cùng nhiều phi công Mỹ bị bắt. Do bị tổn thất nặng nề, lại bị nhân dân Mỹ và thế giới phản đối kịch liệt, Nixon buộc phải ra lệnh chấm dứt không điều kiện cuộc tập kích, chịu thất bại trên bầu trời Hà Nội. Chiến thắng được các nhà quân sự ví như trận “Điện Biên Phủ trên không”, làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến giữa ta và Mỹ, ngụy Sài Gòn; buộc đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Ngày 27.1.1973, hiệp định Paris được các bên ký. Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, không dính líu về quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam cộng hòa, cam kết rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ về nước...

Năm tháng qua đi, những dấu tích về cuộc trải thảm bằng bom B52 của đế quốc Mỹ trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng... chỉ còn lại những nhân chứng sống, nhà tưởng niệm ở phố Khâm Thiên, Bảo tàng chiến thắng B52 với hàng trăm bức ảnh, hiện vật, mảnh xác B52 của Mỹ và rồi đây Tượng đài chiến thắng B52 sẽ được thành phố Hà Nội xây dựng ở gần Cầu Giẽ thuộc huyện Phú Xuyên... Kể từ năm 1972 đến nay, Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, ở mọi góc cạnh...


 Một góc Hà Nội hiện nay     

 Ảnh: Thái Bình

Hà Nội ngày nay được mở rộng về địa giới, với gần 7 triệu dân, lớn hơn nhiều so với thành phố Hà Nội năm 1972. Trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, mỗi ngày Thủ đô lại thêm nhiều khu phố mới, công trình mới. Các di tích lịch sử, văn hóa được tôn tạo, bảo tồn. Nhiều công trình lớn như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Khu liên hợp thể thao - sân vận động Mỹ Đình, Bảo tàng Hà Nội, Cung tri thức... được xây dựng. Hà Nội hôm nay, ngoài cầu Long Biên, còn có thêm nhiều cây cầu lớn bắc qua sông Hồng và những con đường lớn như Đại lộ Thăng Long, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 5, Quốc lộ 3, Quốc lộ 32 và mở rộng 3 đường vành đai nội đô, các dự án đường trên cao, đường sắt nội thành... Hà Nội hôm nay cũng là trung tâm lớn về giáo dục của cả nước, tập trung hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, với đội ngũ trí thức lớn; nguồn nhân lực có chất lượng cao. Hà Nội hiện có trên 1.500 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, gần 600 làng nghề hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực...

Những năm qua, trên địa bàn TP Hà Nội cũng đã diễn ra biết bao sự kiện chính trị, văn hóa, tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng của quốc gia và quốc tế. Đặc biệt năm 2010, thành phố đã tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được đồng bào cả nước tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Kinh tế - xã hội của Hà Nội những năm qua cũng luôn ổn định và phát triển, là địa phương trong nhiều năm đi đầu cả nước về thu ngân sách và đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia. Tháng 7.2011 vừa qua, thành phố Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch phát triển KT- XH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Với quy hoạch này càng tạo thuận lợi cho thành phố xây dựng và phát triển để xứng đáng với vị thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến...

Tự hào với truyền thống ngàn năm văn hiến, thành phố Anh hùng và hòa bình, tự hào với 12 ngày đêm tháng 12.1972 chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ bằng trận Điện Biên Phủ trên không, Hà Nội đã và sẽ luôn xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.

Nguyễn Xuân Diên
Phó Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội