Hà Nội 12 ngày đêm đối mặt với B52

Nguyên Anh 05/12/2012 08:24

“Hồi ấy, hình như chúng tôi sống với một niềm tin về sự tồn tại của đất nước này, tin con cháu mình sẽ sướng hơn, đến lúc nào đó không còn cảnh bom đạn nữa. Mình cứ có lòng tin và chiến thắng của dân tộc mình… Trong lúc khó khăn, mọi người đều chịu đựng một cách rất can đảm, thành ra mình cũng hòa theo tinh thần của mọi người, chịu đựng và tin là chính nghĩa sẽ thắng…” - bà Trịnh Thanh Năng, nguyên diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam.

Xác B52 bị bắn rơi đêm 27.12.1972 tại làng Ngọc Hà, Hà Nội Ảnh: TL
Xác B52 bị bắn rơi đêm 27.12.1972 tại làng Ngọc Hà, Hà Nội                                Ảnh: TL

Bà Trịnh Thanh Năng là một trong 116 nhân chứng chia sẻ hồi ức, tư liệu về 12 ngày đêm lịch sử cuối năm 1972, được tập hợp trong cuốn sách Đối mặt với B-52, NXB Trẻ và Công ty Truyền thông Ngày mới (Tomorrow Media) ra mắt sáng 4.12, tại Hà Nội. Trong số 116 nhân chứng, hơn 1/4 là dân sự. Nhân chứng trẻ nhất sinh năm 1966, mới 6 tuổi vào năm 1972 và nhân chứng nhiều tuổi nhất sinh năm 1910, khi ấy đã 62 tuổi. Họ kể lại câu chuyện mà họ đã trải nghiệm, đã chứng kiến trong những ngày lịch sử 40 năm trước. Bắt đầu từ những ngày miền Bắc chống chiến tranh phá hoại đến khi chuẩn đánh “pháo đài bay” B52 và đỉnh điểm là 12 ngày đêm đối mặt với B52, bên cạnh chia sẻ của các cán bộ chỉ huy, chiến sỹ về quá trình Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu và chiến đấu để hạ được B52, người đọc còn thấy được cuộc sống của người dân Hà Nội những năm 1966 - 1972 cũng như sự đối phó của họ với B52, bình tĩnh và thản nhiên đến lạ thường. Bà Nguyễn Mỹ Hạnh, nguyên diễn viên Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam nhớ lại: “Tôi không nhớ ngày tháng, chỉ biết năm 1972, tự nhiên có đợt nó đánh căng hơn, cơ quan cho đi sơ tán lên gần chùa Thầy. Hôm đi, tôi vơ vội bếp dầu, dầu, gạo và vài thứ thiết yếu lên ô tô. Đến nơi, các chị em cùng cơ quan bảo đi có mấy ngày, mang làm gì nhiều thế. Ai cũng nghĩ chỉ tạm ra khỏi Hà Nội vài hôm rồi lại về...”.

Trong khi đó, trên chiến trường, từ ngày 18 - 29.12.1972, Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không quân và Hải quân Mỹ đã huy động 193 máy bay chiến lược B52 và gần 1.000 máy bay chiến thuật các loại, ném bom, bắn phá Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Ngay trong đêm đầu tiên, 3 máy bay chiến lược B52 đã bị bắn rơi, trong đó 2 chiếc bị rơi tại chỗ, 4 máy bay chiến thuật khác cũng bị hạ... “Khi tiểu đoàn hạ máy bay, chúng tôi ở trong xe nên không nhìn thấy nó rơi. Mấy anh bên ngoài báo: Máy bay cháy rồi! Cháy to, sáng rực cả một góc trời đông bắc Hà Nội. Lúc đó vẫn chưa biết nó là B52 hay máy bay gì, vì thế trung đoàn phải cử Trung đoàn phó Võ Công Lạng xuống tận Phủ Lỗ, chỗ máy bay rơi, để xác định. Ông Lạng đi, về báo cáo đúng là xác của B52 loại G” - Chính trị viên Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361 Vũ Văn Đương kể.

Đã có nhiều tác phẩm khắc họa Hà Nội 12 ngày đêm đối mặt với B-52, những đau thương mất mát, cuốn sách cũng có đủ số liệu để trở thành một pho sử ký về cuộc đối mặt không cân sức năm nào, nhưng nhóm biên soạn Đối mặt với B-52 “không có tham vọng làm thay việc của các nhà nghiên cứu lịch sử, chỉ cố gắng ghi lại một cách đầy đủ và trung thực nhất những hồi ức, tư liệu của các nhân chứng... Ghi lại để chia sẻ”. 3 tháng tìm địa chỉ, lập danh sách các nhân chứng, tiếp đó 2 năm rưỡi tiến hành thực hiện phỏng vấn, ghi âm, thu hình (từ tháng 3.2010 - 9.2012), để giờ đây cuốn sách ra mắt đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Chính các nhân chứng và những câu chuyện của họ đã lôi cuốn nhóm tác giả, làm cho các giá trị lịch sử lan tỏa, để ký ức không bị lùi xa.

Đồng hành cùng nhóm biên soạn, PGs, Ts Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nhận xét: “Cuốn sách cho chúng ta thấy sự kiên cường, sáng tạo, trí thông minh của người Việt Nam. Cuốn sách rất bổ ích cho những ai không trực tiếp tham gia, giúp họ nhìn nhận được bối cảnh sự kiện và diễn biến”. Là người trong cuộc, Trung tướng Vũ Xuân Vinh, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, lại cho rằng: “Có thể nói, bên cạnh cuộc chiến đấu của quân đội ta, những nội dung trong cuốn sách về ngoại giao dân sự, về cuộc sống của nhân dân khi ấy, đã giúp mình bổ sung toàn diện, cả kiến thức và tình cảm về 12 ngày đêm cuối năm 1972”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hà Nội 12 ngày đêm đối mặt với B52
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO