Xem - Nghe - Đọc

“Hà Nội, mùa chim làm tổ”

- Chủ Nhật, 14/10/2018, 07:17 - Chia sẻ
Có một Hà Nội chầm chậm chạy qua những thước phim xưa... - Ấy là một “Hà Nội trong mắt ai”, khi “mùa chim làm tổ”...

“Hà Nội trong mắt ai”

“Hà Nội trong mắt ai” (1982) có lẽ là một bộ phim tài liệu đặc biệt và khác biệt nhất của thể loại này. Nói đặc biệt và khác biệt, bởi nó không giống những bộ phim tài liệu thông thường, bởi nó mạnh về lời bình hơn là hình ảnh, mạnh về những suy ngẫm, diễn giải của đạo diễn hơn là những nhân chứng, tư liệu. Nó gần giống với thể loại phim tài liệu trình diễn (Performative Documentaries), thường được kết nối cá nhân hoặc trải nghiệm để đối chiếu với những vấn đề chính trị, thời cuộc hay lịch sử. Đạo diễn Trần Văn Thủy với hai bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”, đã đạt đến độ tài hoa và sâu sắc của thể loại này, đồng thời đưa tên tuổi của ông trở thành một trong những đạo diễn, nghệ sĩ, trí thức nổi bật của điện ảnh Việt Nam, không riêng gì thể loại phim tài liệu.

Chọn Hà Nội làm đề tài cho bộ phim tài liệu, Trần Văn Thủy không muốn ống kính của ông sa đà vào tả cảnh tả tình hay những vẻ đẹp 36 phố phường của Hà Nội, vốn đã bị lạm dụng sáo mòn trong nhiều thể loại văn chương, điện ảnh. Thay vào đó, ông muốn làm một bộ phim để nói về những giá trị vĩnh cửu, những di sản văn hóa của tiền nhân, những bài học đau đớn của những kẻ sĩ trên mảnh đất này cho hậu thế.

Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh của người nghệ sĩ guitar khiếm thị Văn Vượng, một nhạc sĩ mù sống cô độc một mình ở phố Hàng Giấy chưa bao giờ thấy được vẻ đẹp của Hà Nội, điều mà ông khát khao được nhìn thấy một lần trong đời. Bản nhạc ông viết riêng cho bộ phim, qua tiếng đàn trầm buồn da diết của ông, như thể hiện niềm khát khao ấy.

Và rồi từ câu chuyện của người nghệ sĩ mù, ống kính của Trần Văn Thủy lần lượt lướt qua những cảnh trí, những dấu tích văn hóa, lịch sử của Hà Nội trường tồn qua thời gian. Những dấu tích, vẻ đẹp mà những người sáng mắt chưa chắc đã nhìn thấy.

Đó là câu chuyện của Tháp Bút, tác phẩm của Nguyễn Siêu, một nhà thơ gốc Hà Nội cho dựng lên trên quê hương của ông. Trên tháp đề ba chữ “Tả thanh thiên” - nghĩa là viết lên trời xanh. Nhiều người sau này cho rằng cây tháp bút này là một biểu tượng triết học của kẻ sĩ Bắc Hà thời đó.

Ông lại tiếp tục dẫn dắt qua hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ của miền Nam viết giữa thế kỷ XX: “Từ thuở mang gươm đi mở nước/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Từ những hình ảnh, câu thơ mang tính biểu tượng đó, đạo diễn đưa người xem quay ngược về quá khứ xa hơn để thử tìm lại những điều hay xưa, vẻ đẹp cũ của cha ông cùng những kẻ sĩ qua nhiều cảnh trí, di sản của Hà Nội. Từ Lý Công Uẩn với “Chiếu dời đô” đến những bức tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái; từ những câu thơ đáo để của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đến nỗi niềm xa xứ của Bà Huyện Thanh Quan; từ Tô Hiến Thành, Lê Thánh Tông đến Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi; từ Hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ chùa Trấn Quốc đến Đền Quán Thánh, Gò Đống Đa... - mỗi danh nhân, mỗi địa danh lịch sử đều được kể lại với một câu chuyện, một nỗi niềm của người nghệ sĩ khi lần tìm lại những bài học của cha ông. Với Văn Miếu Quốc Tử Giám, đạo diễn luận về khí phách của kẻ sĩ: “Những nhân tài, những người hiền của Hà Nội xưa, thường giữ mãi cái chí khí, cái trong sạch của ngòi bút, hành xử theo chữ Tâm, cốt không gian tà, nghèo đói không đổi dạ, uy vũ không khuất phục”. Với câu chuyện của người anh hùng áo vải Quang Trung vĩ đại và bi kịch của Nguyễn Trãi, lời bình của bộ phim thật thấm thía: “Một quốc gia muốn trường tồn, bề tôi phải nói với nhà vua những điều ngay thẳng và bề trên phải lắng nghe những điều phải trái của bề tôi”. Hay ông mượn lời của Nguyễn Trãi: “Lẽ thành bại và sự hưng vong của quốc gia có liên quan mật thiết tới nỗi vui buồn của người dân” để nhắc lại những bài học cho hậu thế...

Từ những câu chuyện của các bậc tiền nhân, những di sản đáng tự hào của cha ông và những bài học cay đắng của kẻ sĩ, đạo diễn Trần Văn Thủy quay trở lại với thực tại, với cuộc sống ngổn ngang sau chiến tranh, trong những năm bao cấp để đặt những câu hỏi nhức nhối: “Tại sao đất nước chúng ta vẫn còn nghèo, vẫn còn quá nhiều khổ đau oan trái?”. Và rồi ông tự hỏi tiếp: “Hà Nội trong mắt chúng ta, trong mắt con cháu chúng ta sẽ ra sao? Liệu Hà Nội có còn xứng đáng với ngòi bút “tả thanh thiên” và để lại chữ Tâm trong lòng hậu thế?”

Những câu hỏi của đạo diễn Trần Văn Thủy là nỗi day dứt của một kẻ sĩ ngày nay, một nỗi niềm của người trí thức muốn đặt ra câu hỏi cho những người cầm quyền hôm nay. Có lẽ vì sự nhạy cảm đó mà bộ phim lập tức bị cấm chiếu sau khi kiểm duyệt và chịu một cái “án treo” suốt 5 năm. Bản thân đạo diễn cũng gặp liên lụy vì phim của ông đụng chạm tới một số quan chức, mượn chuyện xưa để nói chuyện nay... “Hà Nội trong mắt ai” chỉ được chiếu rộng rãi 5 năm sau (1987), khi được sự can thiệp của hai lãnh đạo thời đó là Nguyễn Văn Linh và Phạm Văn Đồng trong giai đoạn “cởi trói” sau Đổi mới. Bộ phim lập tức được khán giả đón nhận nồng nhiệt chưa từng có với thể loại phim tài liệu. Tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1988, “Hà Nội trong mắt ai” đã giành thắng lợi lớn với giải Bông Sen Vàng duy nhất cho Phim tài liệu và các giải cá nhân như Đạo diễn, Biên kịch (đều thuộc về Trần Văn Thủy) và Quay phim Xuất sắc nhất.

“Hà Nội mùa chim làm tổ”

Chiến tranh vừa qua đi, hòa bình vừa lập lại. Cuộc sống mới với những xung đột lý tưởng, giá trị bắt đầu xảy ra, dù hãy còn chậm chạm ở Hà Nội đã làm thay đổi số phận và cả tình yêu của những con người trẻ tuổi. Đức Hoàn, vốn là nữ diễn viên nổi tiếng với vai Mị trong “Vợ chồng A Phủ”, trong vai trò đạo diễn, đã có một bước chuyển đầy nữ tính với cái nhìn vừa dịu dàng vừa sắc sảo về những thay đổi thời cuộc trong bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” (1978).

Bộ phim mở đầu với hình ảnh Nguyệt (Như Quỳnh) ra ga tàu đón Khánh (Trần Vân), người yêu cô đang đi công tác xa trở về Hà Nội. Và khi họ đang cùng nhau mơ mộng về những ngày tháng lãng mạn và tươi đẹp của mình trên những con phố đêm của Hà Nội thì ở nhà họ, xung đột ngấm ngầm bắt đầu xảy ra. Bà Thời (Ngọc Dậu), một người phụ nữ làm nghề buôn bán, nhanh nhạy với thời cuộc tìm đến nhà thông gia tương lai - ông bà Trọng (Hoàng Uẩn và Thu An) để nhờ ông Trọng chạy chọt xin cho Nguyệt ở lại Hà Nội và vào làm công ty ông. Vốn là một cán bộ nghiên cứu liêm khiết và hơn 30 năm theo cách mạng, ông Trọng từ chối thẳng thừng và cho rằng đó là thói đầu cơ móc ngoặc, chủ nghĩa cơ hội. Nguyệt và Khánh trở về nhà vừa đúng lúc bố mẹ họ diễn ra xung đột căng thẳng. Bà Thời dắt Nguyệt về và cấm cô quan hệ với Khánh. Nhưng câu chuyện tình lãng mạn và đẹp đẽ của họ có nguy cơ đổ vỡ không chỉ vì sự khác biệt về quan điểm sống của bố mẹ họ mà còn sự mâu thuẫn trong lý tưởng sống của chính bản thân họ. Khánh lãng mạn và đầy lý tưởng về cuộc sống nên anh sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở xa Hà Nội, còn Nguyệt, cô gái yếu đuối lại bị mẹ áp đặt, dần dần đánh mất lòng tự trọng và chấp nhận một sự sắp đặt công việc không liên quan đến chuyên môn của cô để được ở lại Hà Nội. “Hà Nội mùa chim làm tổ” để lại một cái kết buồn day dứt và sự ân hận khôn nguôi của Nguyệt với ca khúc “Hoa sữa” vang lên như một câu hỏi không có câu trả lời về tình yêu của cô...

“Hà Nội mùa chim làm tổ” có một kịch bản giàu chất hiện thực và mang những hơi thở mới mẻ của thời cuộc khi đi sâu vào mô tả những xung đột ngay trong một gia đình hay giữa hai người yêu nhau. Bộ phim không tô vẽ hay lý tưởng hóa bất cứ một giá trị nào mà phản ánh hiện thực như nhịp đập của cuộc sống thời bình trước sự đổi thay. Những năm tháng bao cấp nghèo khó sau chiến tranh đẩy những con người về hai phía. Những người như ông Trọng, Khánh hay Hà - bạn thân của Nguyệt là những người vẫn còn giữ được phẩm chất lý tưởng cao đẹp; trong khi đó bà Thời đại diện cho một lớp người cơ hội, nhanh nhạy với thời cuộc bằng cách luồn lách, chạy chọt để mưu cầu lợi ích cho mình. Nguyệt, cô gái trẻ đứng giữa hai dòng nước, không giữ được bản lĩnh bị cuốn trôi và dần dần đánh mất những giá trị của mình.

Chất nữ tính và cái nhìn phản tỉnh của nữ đạo diễn Đức Hoàn được thể hiện qua mạch phim tự sự chậm rãi được kể một cách nhuần nhị, tự nhiên. Ở đó, mỗi nhân vật hiện lên sinh động chứ không rao giảng một chiều. Mỗi nhân vật phải đấu tranh với nội tâm của họ trước những thay đổi của thời cuộc. Ông Trọng luôn giữ sự liêm chính và lập trường rõ ràng trước mọi sự biến đổi, lên án thói cơ hội hoặc đầu cơ móc ngoặc, nhưng ông lại vướng vào “gót chân Achilles” của mình khi không dạy dỗ được cậu con trai út (Trung Anh đóng), một kẻ chơi bời lêu lổng và thậm chí còn đi ăn cắp đồ của nhà bà Thời, người mà ông thẳng thừng lên án. Để rồi cuối cùng chính ông cũng phải chấp nhận thỏa hiệp vì không muốn gia đình bị bôi xấu. Nguyệt yêu Khánh nhưng cô luôn phân vân giữa những chọn lựa, giữa lý tưởng của Khánh và thói thức thời, cơ hội của bà mẹ một mình nuôi dạy cô nên người. Ai cũng có những lựa chọn và có lý do cho sự lựa chọn đó, để rồi, sự khác biệt và những xung đột dần dần đẩy họ càng đi xa nhau.

Gần 40 năm đã trôi qua, những câu chuyện thời cuộc trong “Hà Nội mùa chim làm tổ” đã thuộc về một thời quá vãng và có thể ngây ngô nếu đặt trong bối cảnh hiện tại, nhưng những giá trị thời điểm của nó, cách xây dựng nhân vật sắc sảo và diễn xuất tinh tế của những ngôi sao của những năm 70 như Trần Vân, Như Quỳnh, Ngọc Dậu, Thu An vẫn để lại những cảm xúc hoài cổ về Hà Nội của một thời đã qua. Ca khúc chủ đề trong bộ phim - “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng cũng vượt thoát khỏi bộ phim và có một đời sống độc lập trong âm nhạc Việt Nam, dù với nhiều người, nhắc đến “Hoa sữa” là nhắc đến “Hà Nội mùa chim làm tổ” và ngược lại...

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm