Hạ Hòa - nét đẹp Trung du

Phùng Văn
Xuân Canh Tý 2020
28/02/2020 08:37

Ngược dòng sông Thao, men theo triền đê, giữa bát ngát lúa ngô, lên với huyện Hạ Hòa - một miền quê mang nét đẹp duyên dáng, mộc mạc đặc trưng của vùng Trung du tỉnh Phú Thọ, quê hương của “rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”. Càng ngỡ ngàng trước cảnh đẹp non nước hữu tình của đầm Ao Châu với 99 ngách huyền bí.

Thời xa xưa, Hạ Hòa vốn tên là Hạ Hoa, vì trùng tên với một bà vợ vua triều Nguyễn mà phải đổi tên thành Hạ Hòa. Người xưa gọi Hạ Hoa có lẽ vì cảnh đẹp và vị trí trung tâm văn hóa của vùng đất này. Thật vậy, hệ thống đình, đền của huyện Hạ Hòa đã nói lên điều đó, nó đã đi vào tâm trí của người dân Việt với lời truyền tụng: “Nhất Chu, nhì Hiền, tam Lang, tứ Lệnh”. Linh thiêng nhất là đền Chu Hưng ở xã Ấm Hạ, nơi thờ Côn nhạc Đại vương là anh em của vua Hùng Nhuệ Vương, đã có công đánh giặc giữ biên cương phía Bắc của đất nước, cũng là nơi vua Trần Nhân Tông cùng hai sư là Pháp Loa - Huyền Quang lập thiền tu luyện, vì nơi tu luyện có rừng trúc xanh tươi, nhà vua đã vịnh hai câu thơ “Tự thiền thơm ngát khói hương/Thông reo trúc mọc bên thềm xanh tươi” và “Thiền trúc lâm” vì thế trở thành tên của giáo phái do nhà vua sáng lập. Đây cũng là trung tâm của Liên khu 10 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đồng chí Cayxỏn Phômvihản và tướng Lê Trọng Tấn đã đến thăm và động viên đội vũ trang đầu tiên của quân đội nhân dân Lào có tên là Lạt-Xạ-Vông.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển với lãnh đạo huyện Hạ Hòa và xã Ấm Hạ tại Bia kỷ niệm Đội vũ trang Lạt-Xạ-Vông (Lào) ở đền Chu Hưng ngày 22.2.2020
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển với lãnh đạo huyện Hạ Hòa và xã Ấm Hạ tại Bia kỷ niệm  Đội vũ trang Lạt-Xạ-Vông (Lào) ở đền Chu Hưng ngày 22.2.2020

Nơi linh thiêng thứ hai được mọi người truyền tụng là đền Hiền Lương tại xã Hiền Lương, thờ Quốc mẫu Âu Cơ. Tương truyền đây là nơi Quốc mẫu dừng chân lập ấp khi đưa 50 người con lên rừng và cũng chính ở đây Ngài đã hóa thân lên trời để lại những dải lụa đào. Thời kỳ cách mạng, chiến khu vần Hiền Lương nổi tiếng với đội du kích Âu Cơ là hạt nhân trong phòng trào cách mạng của hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ. Ngày nay, đền Hiền Lương vẫn là nơi đất thiêng mà người dân Việt hướng về và thờ phụng. Còn “tam Lang, tứ Lệnh” là đình Lang Sơn và đình Lệnh Khanh, đã bị tàn phá trong chiến tranh, các án thờ được đưa về thờ phụng tại đền Chu Hưng.

Nói đến văn hóa của Hạ Hòa, không chỉ đình, đền, mà con người nơi đây luôn hội tụ sự lạc quan, yêu đời, hài hước như làn điệu hát ghẹo Phú Thọ: “Bà Rằng bà Rí, ới rằng bà đi, bà đi tìm mối, kết duyên tơ hồng… lấy phải ông chồng bé tỵ tỳ teo, chân đi cà kheo…”. Mảnh đất này cũng là vùng hiếu học, là nơi thành lập trường cấp III đầu tiên của vùng kháng chiến mang tên Hùng Vương, từng được Bác Hồ gửi thư khen về phong trào giáo dục. Hạ Hòa cũng là nơi làm việc của cơ quan văn nghệ kháng chiến trung ương. Với cảm nhận sâu sắc từ nguyên mẫu có thật của một bà mẹ chiến sĩ là bà Gái, mẹ của người lính Phùng Văn Khải mà Tố Hữu đã cho ra đời bài thơ nổi tiếng “Bầm ơi”.  Đây cũng là nơi sinh của nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ, khi cha ông là nhà thơ Lưu Quang Thuận và gia đình tản cư ở đây.

Người Hạ Hòa thường bị chê “sông Thao nước đục, người đen”, là “dân cọ ỏm”, song họ không buồn mà ngược lại còn tự hào vì được ví với cây cọ, tuy xù xì nhưng có vẻ đẹp riêng và rất hữu dụng, không kém cây tre Việt Nam. Những tính năng của nó gắn bó với cuộc sống của con người nơi đây: Thân cọ có thể làm nhà, làm cầu, làm máng dẫn nước; lá cọ làm mái nhà, làm nón đội đầu che mát và cũng làm duyên cho người phụ nữ. Khi thiếu làn, thiếu thúng để đựng những thứ ta cần, thì bàn tay khéo léo của người Trung du sẽ bện tàu lá cọ thành cái móm (theo cách gọi của người địa phương), giống như chiếc làn xinh xắn. Quả cọ sau khi được ỏm, ăn có vị bùi, béo chẳng kém gì quả trám đen. Nõn cọ có thể đem hầm thành món canh bổ dưỡng. Quạt cọ, chổi cọ cũng là những vật dụng thường ngày của nông dân Trung du. Cây cọ dẻo dai, vững chãi, ít bị đổ trước phong ba bão táp và luôn hiên ngang đứng giữa núi đồi Trung du.

Nói đến cọ cũng phải nói đến chè của Phú Thọ, ngon nổi tiếng chẳng kém ở các vùng quê khác, thậm chí còn được người phương Tây biết đến khá sớm và được ghi trong cuốn “Xứ Đông dương” của toàn quyền Paul Doumer, in tại Paris năm 1905.

Hạ Hòa còn là vùng của sông nước với những loại cá ngon nổi tiếng như: Cá trắm đen, cá chú, cá chép… Người Hạ Hòa có cách chế biến cá rất đặc biệt: Cá ướp muối nướng trên vỉ tre, cá nấu “sổi” chỉ vừa chín tới ăn có vị đậm và thơm, cá kho ủ trấu, cá rô đồng nấu với rau sắn… Nổi tiếng hơn cả vẫn là cá ướp thính có hương vị đặc biệt, hơi mặn song ăn với cơm, với xôi nóng thì thật khó quên. Cách làm cá ướp thính cũng thể hiện sự cần kiệm, lo toan tháng ba, ngày tám của phụ nữ Trung du: Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng. Mùa nước lên đánh được nhiều cá, người dân dành một phần để bán, còn lại được ướp thính. Những con cá to được chia ba: Đầu để nấu canh, đuôi để kho, còn khúc giữa ngon nhất ướp thính dành cho những khi thực phẩm khan hiếm. Trong nhà người nông dân Hạ Hòa luôn có chum tương, lọ mắm tép và hũ cá ướp thính để dự trữ. Nghe câu chuyện này, có thể nhiều người sẽ cười, nhất là người ở vùng có nhiều cá, tôm ở đất phương Nam như: “Cà Mau ăn cá bỏ đầu”. Nhưng với miền Trung du lại là văn hóa ẩm thực, là đất, là con người, là sự hội tụ của điều kiện tự nhiên, xã hội được đúc kết lên từ ngàn đời.

Lên Hạ Hòa xuân này, càng vui hơn trước sự phát triển rất nhanh chóng về kinh tế - xã hội, ấm no - hạnh phúc đã đến với người dân Hạ Hòa, dù chưa thật viên mãn. Nhưng những nét đẹp xưa vẫn được giữ gìn và càng được tô thắm thêm với nét đẹp ngày nay.

Hạ Hòa - Trung du - một miền quê đáng sống!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hạ Hòa - nét đẹp Trung du
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO