Hà Giang phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế giảm nghèo bền vững

- Thứ Ba, 06/04/2021, 08:54 - Chia sẻ
Nhằm hiện thực hóa 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 05 về “phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025”. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thành công, cải thiện đời sống cho bà con các dân tộc trên địa bàn.

Bài 1:  Chiến lược thoát nghèo bền vững

Có thể thấy, nội hàm của Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đã thể hiện rõ chiến lược thoát nghèo bền vững, được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn lâu nay về nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế vườn hộ nơi địa đầu Tổ quốc. Tỉnh đã sớm phân tích, đúc rút nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn. Từ đó, có sự bàn bạc kỹ lưỡng, thống nhất cao để xây dựng chủ trương lớn này. 

Chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản

Là một tỉnh nghèo, địa hình phức tạp; sản xuất nông nghiệp vẫn là 1 trong 3 trụ cột quan trọng trong cơ cấu kinh tế và bảo đảm sinh kế cho khoảng 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn. Bởi vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển "tam nông" là nhiệm vụ rất quan trọng đối với Hà Giang. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVII được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt mới cho kinh tế khu vực nông thôn.

Giám đốc Sở NN - PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Kinh tế vườn hộ những năm qua ở Hà Giang chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Người dân vẫn để vườn tạp nhiều, thậm chí bỏ hoang. Một số địa phương như: TP. Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê có diện tích vườn hộ lớn, bằng phẳng, điều kiện canh tác thuận lợi, song vườn chưa được quy hoạch, cơ cấu cây trồng nhiều loại, chưa hợp lý, tập quán canh tác còn truyền thống, năng suất thấp, sản phẩm chủ yếu chưa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và thu nhập để giảm nghèo cho người dân.

Từ thực tế trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 (ngày 1.12.2020) với mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy, phương pháp sản xuất của người dân trên chính mảnh vườn của mình; ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Từ đó, tăng dinh dưỡng, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành, giai đoạn 2021 - 2025. Đối tượng áp dụng là hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện vay vốn với lãi suất bằng 0%; mức vay vốn tối thiểu 10 triệu đồng/hộ và tối đa 30 triệu đồng/hộ; thời gian vay vốn tối đa 30 tháng kể từ ngày được giải ngân… UBND tỉnh cũng ban hành Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, xây dựng mô hình mẫu cải tạo vườn tạp đối với từng hộ trong việc sắp xếp bố trí khuôn viên, vườn tược, chuồng trại…”, Giám đốc Sở NN - PTNT Hoàng Hải Lý chia sẻ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Quốc Khánh thăm, động viên gia đình anh Lý Văn Thu (thôn Nà Trà, Linh Hồ, Vị Xuyên) cải tạo vườn tạp

Sâu sát việc triển khai tại cơ sở

Chỉ một thời gian ngắn sau khi nghị quyết được ban hành, Hà Giang đã tổ chức Lễ phát động phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững năm 2021 tại thôn Nà Trà (xã Linh Hồ huyện Vị Xuyên). Lễ phát động với sự tham gia của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Quốc Khánh đã tạo khí thế, khích lệ tinh thần của toàn Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống. Sau lễ phát động, 11/11 huyện, thành phố, 193/193 xã, phường trên toàn tỉnh đã ra quân cải tạo vườn tạp với quyết tâm cao.  

Chia sẻ về cách triển khai của Hà Giang, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khẳng định: Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là "không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau". Để làm tốt điều này, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. không phô trương, hình thức để bảo đảm tính bền vững, lâu dài. Đặc biệt, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sâu sát việc triển khai tại cơ sở với phương châm đến từng nhà, vào từng vườn để cùng làm với bà con Nhân dân. Trong quá trình triển khai, yêu cầu Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn nhanh nhất. Sở NN - PTNT chỉ đạo hệ thống khuyến nông cơ sở tập trung hướng dẫn các gia đình chăm sóc vườn hộ để đạt năng suất, chất lượng cao nhất; kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cho các địa phương.

Là cơ quan tham mưu chính cho tỉnh trong lĩnh vực này, cùng với các ngành, các địa phương, Sở NN - PTNT đã xây dựng bộ quy trình mẫu về việc hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc đối với từng loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn; sau đó, làm cẩm nang để tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện.  Cùng với đó, hưởng ứng tinh thần chung của tỉnh, nhất là của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, Sở đã phát động phong trào kêu gọi hỗ trợ trong toàn ngành. "Mới đây, chúng tôi đã kêu gọi xã hội hóa được 5.000 con gà giống tốt và 5.000 cây giống các loại để hỗ trợ cung cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo làm mô hình điểm về trồng trọt, chăn nuôi. Từ sự hỗ trợ này, chúng tôi mong đây sẽ là hướng đi mới, góp phần khơi dậy ý chí tực lực vươn lên thoát nghè cho bà con”, Giám đốc Sở NN - PTNT Hoàng Hải Lý chia sẻ.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sau gần 4 tháng Nghị quyết 05 được ban hành, toàn tỉnh đã có 145/356 hộ cải tạo vườn tạp, đạt 40,73% kế hoạch năm 2021; 11/11 huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, nhiệm vụ cho tập thể, cá nhân phụ trách giúp đỡ các hộ cải tạo vườn tạp. Đồng thời, tổ chức phát động triển khai chương trình và chủ động lựa chọn thực hiện thiết kế được từ 3 - 5 sơ đồ vườn mẫu gắn với tập quán canh tác, văn hóa của người dân địa phương.

 

TRỌNG HIẾU