Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh
Giải quyết việc làm cho trên 95.500 người
Thông tin tại cuộc giám sát, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, công tác tuyên truyền được tổ chức bằng nhiều hình thức; nhiều cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời. Nhận thức của người lao động về đào tạo nghề để có việc làm và nâng cao thu nhập đã có nhiều thay đổi tích cực; lao động đã chủ động tìm kiếm thông tin và đăng ký tham gia học nghề, việc làm.
Các chỉ tiêu được giao hàng năm về giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch; chất lượng giáo dục nghề nghiệp bước đầu được cải thiện; thị trường lao động được mở rộng, việc làm và thu nhập của người lao động được nâng lên, nhất là lao động đi làm việc ngoài tỉnh.
Công tác đào tạo nghề đã từng bước góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, tiếp cận với thị trường lao động, góp phần quan trọng trong việc giúp người lao động tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm việc làm, hòa nhập thị trường lao động, tạo thu nhập, cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thị trường lao động góp phần tích cực vào giảm nghèo bền vững.
Công tác giải quyết việc làm đã góp phần giúp người lao động tạo thu nhập, từng bước ổn định và giảm nghèo bền vững. Cụ thể, từ năm 2021 đến tháng 6.2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 95.575 lao động, đạt 112,4% chỉ tiêu giao; 6 tháng đầu năm 2024, đã đào tạo nghề cho trên 7.600…
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc: nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề còn hạn hẹp, mới tập trung ở 2 trường có nghề trọng điểm; các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có tham gia đào tạo nhưng chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu nhiều, xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho giảng dạy, học tập. Chương trình giáo trình một số nghề mới không có kinh phí để xây dựng; một số chương trình đã ban hành chưa được cập nhật kiến thức, công nghệ mới hằng năm. Đội ngũ giáo viên cơ hữu thiếu phải hợp đồng người dạy nghề tham gia giảng dạy, kỹ năng sư phạm, am hiểu thực tế còn hạn chế...
Mặt khác, học sinh học hệ Trung cấp phần lớn là học sinh mới tốt nghiệp THCS dẫn đến khó khăn trong việc bố trí thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học giữa chừng để đi làm thuê hoặc về lấy vợ, lấy chồng... vẫn còn xảy ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, nhưng chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; việc làm và thu nhập của người lao động tuy có chuyển biến tích cực nhưng chưa bền vững, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm; việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN gặp khó khăn.
Nhiều rào cản, vướng mắc
Tại cuộc giám sát, các đại biểu cũng đã mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến những tồn tại hạn chế. Theo các đại biểu, định mức chi cho đào tạo các cấp hỗ trợ người học 30.000/người/ngày quá thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sau đào tạo. Số lượng đào tạo nhiều, song chủ yếu là các lớp sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng nên chưa tạo ra sự chuyển biến mạnh về nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh cũng như nâng cao thu nhập và ổn định việc làm cho người lao động.
Một hạn chế nữa đó là ngân sách địa phương khó khăn nên việc hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp; biên chế giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu về số lượng, chuyên ngành đào tạo. Ngoài ra, trình độ học vấn tuyển sinh đầu vào của học sinh, sinh viên còn thấp, không đồng đều cũng là một rào cản; tâm lý xã hội của một bộ phận người dân, lao động chưa nhận thức đầy đủ về công tác giáo dục nghề nghiệp…
Đồng bộ các giải pháp
Đề cập đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn trên, các đại biểu cho rằng, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp đến người dân và người lao động. Đồng thời, tăng cường công tác kết nối cung - cầu để giúp người lao động thuận lợi trong tìm kiếm việc làm và học nghề. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ giải quyết việc làm và học nghề để giúp người lao động tiếp cận và thụ hưởng.
Có ý kiến cho rằng, cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động. Tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho các đối tượng tham gia giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với đổi mới chất lượng đội ngũ giáo viên, đầu tư đồng bộ thiết bị đào tạo phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp; đổi mới chương trình đào tạo gắn với định hướng, công nghệ và sử dụng kỹ năng lao động của doanh nghiệp.
Một số đại biểu hiến kế, cần xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động để các hoạt động của giáo dục nghề nghiệp hướng đến đáp ứng nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực và yêu cầu của doanh nghiệp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Bố trí đủ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp ở các cấp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tham quan học tập trong nước và các nước trong khu vực để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét ban hành văn bản quy định danh mục nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo để các doanh nghiệp có căn cứ triển khai thực hiện. Tránh tình trạng doanh nghiệp chỉ tuyển lao động phổ thông như hiện nay; quy định về chế độ trả lương bảo đảm thu hút lao động qua đào tạo nghề. Nghiên cứu ban hành cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, bổ sung Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là đối tượng thụ hưởng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung nguồn Quỹ quốc gia về việc làm hỗ trợ các tỉnh nghèo để hỗ trợ cho vay tạo việc làm và duy trì mở rộng việc làm.
Phát biểu kết luận cuộc giám sát, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Lý Thị Lan đánh giá cao những nỗ lực của các sở, ngành trong việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác này, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Lý Thị Lan đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan chủ quản trong tham mưu cho tỉnh trên lĩnh vực đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho Nhân dân, người lao động, đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường nghề. Rà soát, đánh giá, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng khảo sát, điều tra, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động gắn với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Phối hợp với Sở Nội vụ tiến hành rà soát, nghiên cứu, tham mưu các giải pháp sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên giáo dục nghề nghiệp một cách hợp lý và nâng cao chất lượng đội ngũ. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện tốt các quy định về chế độ làm việc, các chính sách ưu đãi đối với nhà giáo; có cơ chế huy động các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật và sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cấp huyện, xã trong việc chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm trên địa bàn, đặc biệt là việc hoàn thành các tiêu chí về lao động, việc làm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; quan tâm hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị…
Đối với Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường mối quan hệ phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên có cơ hội được tiếp cận công nghệ, thực hành tay nghề và tìm kiếm việc làm sau đào tạo.