Hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng
Vào lúc 11 giờ 20 phút ngày 6/7/2025, tại công trường Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (phường Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Ban Quản lý dự án Điện 1 và các nhà thầu đã hạ đặt thành công rotor tổ máy số 1. Đây là cột mốc kỹ thuật quan trọng, đánh dấu bước tiến then chốt trong quá trình lắp đặt thiết bị, hướng tới mục tiêu phát điện tổ máy vào dịp Quốc khánh 2/9.
Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng có trọng lượng khoảng 585 tấn, là phần quay của máy phát. Quá trình hạ đặt thành công vào Stator tổ máy phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật với độ chính xác cao. Việc hạ đặt Rotor là một bước bản lề quan trọng trong chuỗi công đoạn lắp đặt tổ máy, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chính xác giữa các đơn vị thi công, giám sát và lắp đặt thiết bị cơ điện. Thành công của hạng mục này thể hiện quyết tâm và nỗ lực lớn của EVN, Ban Quản lý dự án Điện 1 và các nhà thầu trong điều kiện thi công khó khăn, phức tạp.

Việc hoàn thành hạ đặt Rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện nhiều hạng mục lắp đặt cơ điện, tiến tới thử nghiệm và vận hành tổ máy với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 của dự án vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9 đúng tiến độ yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, sau tổ máy số 1, rotor tổ máy số 2 sẽ được hạ đặt trong vòng 3 tháng tới và dự kiến hòa lưới vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2025.
Theo đại diện EVN, Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng có công suất 480MW, gồm 2 tổ máy (mỗi tổ 240MW), sản lượng điện bình quân khoảng 490 triệu kWh/năm. Dự án có tổng mức đầu tư trên 9.220 tỷ đồng, do EVN làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Điện 1 quản lý và liên danh nhà thầu Trường Sơn - Xây dựng 47 - Lilama 10 thi công chính.

Trong quá trình triển khai, dự án từng gặp phải sự cố sạt trượt địa chất nghiêm trọng năm 2021, buộc phải tạm dừng thi công gần một năm. Sau quá trình khảo sát, thiết kế điều chỉnh và gia cố địa chất, công trường mới được khởi động trở lại từ tháng 10/2022. Mặt khác, việc thi công mở rộng trên nền công trình hiện hữu Thủy điện Hòa Bình đặt ra nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật và an toàn. Các hạng mục như đào hầm dẫn nước, lắp đặt thiết bị nặng, vận chuyển vật liệu đều phải bảo đảm không ảnh hưởng đến công trình đang vận hành và môi trường xung quanh.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án Điện 1, mọi công đoạn từ sản xuất thiết bị, vận chuyển, lắp đặt đến thử nghiệm đều được giám sát chặt chẽ và thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, tuân thủ tiêu chuẩn an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng sau khi hoàn thành sẽ tăng cường khả năng huy động công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, góp phần nâng cao độ ổn định tần số, cải thiện hiệu quả vận hành toàn hệ thống. Đồng thời, việc bổ sung công suất từ các tổ máy mới cũng giúp giảm áp lực cho các tổ máy hiện hữu, tiết kiệm chi phí bảo trì, kéo dài tuổi thọ thiết bị, tối ưu hóa vận hành hệ thống điện miền Bắc.