Guồng quay mới
Mười tháng sau khi Tổng thống Abidine Ben Ali bị lật đổ, ngày 21.11, ba đảng chính giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội đồng lập hiến vừa qua ở Tunisia đã đạt được thỏa thuận chia sẻ ba vị trí hàng đầu của nhà nước, đồng thời nhất trí sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới trong vòng một năm tới. Hội đồng Lập hiến (Quốc hội) Tunisia nhóm họp lần đầu tiên vào hôm nay sẽ xác nhận ba chức vụ trên, đồng thời phê chuẩn các vị trí bộ trưởng. Một guồng quay mới đã bắt đầu với vô vàn thách thức đang chờ đón Chính phủ mới của Tunisia.
![]() Lãnh đạo các đảng của Tunisia nhất trí thỏa thuận chia sẻ quyền lực |
Nguồn: Reuters |
Trong cuộc bầu cử Hội đồng lập hiến ngày 23.10 vừa qua, Đảng Hồi giáo Ennahda giành được nhiều ghế nhất và liên kết với Đảng Đại hội vì nền cộng hòa (CPR) cùng Đảng Ettakatol thành lập liên minh cầm quyền. Theo thỏa thuận mới đạt được, Tổng thư ký Đảng Hồi giáo Ennahda, ông Hamadi Jbeli, sẽ giữ cương vị Thủ tướng. Lãnh đạo CPR Moncef Marzouki giữ chức Tổng thống và lãnh đạo đảng Ettakatol, ông Mustafa Ben Jaafar, sẽ giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Lập hiến. Miếng bánh quyền lực coi như đã được chia xong, hiện tại vấn đề đặt ra là Chính phủ mới sẽ điều hành đất nước như thế nào và liệu Hội đồng lập hiến Tunisia có bảo đảm tương lai tốt đẹp cho người dân?
Chính phủ tương lai có sứ mệnh nặng nề là thực hiện mục tiêu tái thiết đất nước, giải quyết nạn thất nghiệp. Đây được coi là những thách thức lớn và là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của Chính phủ mới. Ngoài ra còn các vấn đề khác như cải thiện đời sống khó khăn của đại đa số dân chúng, đấu tranh chống tham nhũng, tôn trọng bình đẳng giới, xây dựng chế độ bán nghị viện, với một tổng thống được bầu qua phổ thông đầu phiếu trực tiếp, khẳng định nhân dạng của người Tunisia là Ảrập - Hồi giáo nhưng mở cửa ra tất cả các nền văn minh khác. Về giáo dục, Chính phủ mới chủ trương Ảrập hóa việc giảng dạy ở tất cả các cấp. Về đối ngoại, Chính phủ Tunisia kêu gọi thực hiện chính sách thống nhất với tất cả các nước Ảrập. Hành động của chính phủ sắp tới trong các lĩnh vực này, theo chuyên gia Neffousi Ould Si Ahmed, phải được thực hiện một cách minh bạch, với sự tham gia của tất cả các lực lượng mới đạt được kết quả và tạo hy vọng cho giới trẻ đang có nguyện vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Với vai trò cốt tử đối với sự phồn thịnh của Tunisia, các ngành du lịch, công nghiệp hàng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu… đang trông chờ vào những quyết định sắp tới của Chính phủ. Chiến lược kinh tế sắp tới rất có khả năng sẽ mang tính tự do, nhưng giữa chính trị và kinh tế, một điều khoản trong Hiến pháp mới về vấn đề phân chia của cải được xem là cốt yếu trong thời gian tới. Về du lịch, kế hoạch của đảng Ennahda dường như trấn an được dư luận trong nước hơn là làm yên lòng các đối tác phương Tây. Thực tế, làm yên lòng các nhà đầu tư và thị trường là một chuyện, tiếp cận nền kinh tế bằng một chính sách có tính tới toàn cầu hóa và hệ quả của nó trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay lại là chuyện khác đối với chính phủ tương lai.
Hiệu quả hoạt động của Quốc hội và lập Hiến pháp mới cũng là những vấn đề quan trọng đối với tương lai Tunisia. Trong phiên họp đầu tiên bắt đầu từ hôm nay, toàn bộ 217 nghị sỹ Quốc hội Tunisia sẽ tập trung thảo luận việc soạn thảo Hiến pháp và các đạo luật, thành lập Chính phủ. Việc soạn thảo Hiến pháp hiện nay được giao cho một nhóm 6 người thuộc khuynh hướng độc lập. Các nghị sỹ độc lập, do không có trách nhiệm điều hành và hầu như không có tính toán gì đối với thời hạn tổ chức các cuộc bầu cử sau này, nên là những người duy nhất có khả năng đưa vào Hiến pháp những điều khoản cho phép mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, hoạt động của nhà nước được minh bạch, phi tập trung hóa, cân bằng và phân quyền. Rất có thể Tunisia sẽ có một bản Hiến pháp xác định lại tận gốc rễ mối quan hệ giữa cá nhân với nhà nước, đồng thời giới hạn rõ ràng quyền hạn của Nhà nước. Sau cuộc bầu cử ngày 23.10 vừa qua, nền tảng mới của nhà nước Tunisia đã được thiết lập: đó là Hội đồng lập hiến và Hiến pháp mới của nền Cộng hòa thứ hai. Đây sẽ là bản Hiến pháp thứ ba của Tunisia (sau Hiến pháp năm 1861 và 1959).
Không loại trừ khả năng xấu là bản Hiến pháp mới chưa thể ra đời. Lịch sử cho thấy Hội đồng lập hiến đầu tiên của Tunisia được bầu vào năm 1956 sau khi nước này giành được độc lập, song phải mất đến 3 năm mới soạn thảo xong một bản Hiến pháp. Cũng có thể nhiều ẩn số vẫn ở lại Tunisia sau ngày 22.11.