Giáo dục

GS.TS Thái Văn Thành: "Khi Luật Nhà giáo được ban hành, thầy cô có môi trường an toàn để làm việc"

Nguyễn Liên 06/05/2025 14:11

GS.TS Thái Văn Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, khi Luật Nhà giáo được ban hành, nhà giáo được bảo vệ về uy tín, danh dự, về cả thể chất và tinh thần, xã hội có trách nhiệm bảo vệ nhà giáo. Đó là một môi trường rất an toàn cho nhà giáo làm việc và sáng tạo.

Sáng 6/5, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.

Tôn sư trọng đạo được luật hóa

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân bên lề nghị trường, GS.TS Thái Văn Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An nhìn nhận khi được ban hành, Luật Nhà giáo sẽ có tác động rất lớn, có ý nghĩa rất sâu sắc cho hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

Theo đó, địa vị pháp lý của nhà giáo, truyền thống tôn sư trọng đạo, sự tôn trọng, tôn vinh với nhà giáo trong nhân dân sẽ được luật hóa và được cả xã hội, hệ thống chính trị triển khai thực hiện. Đội ngũ nhà giáo có được môi trường, hành lang pháp lý để được tôn vinh, ghi nhận, cống hiến, sáng tạo.

Bên cạnh đó, khi Luật Nhà giáo được ban hành cũng sẽ có những cơ chế chính sách, ưu đãi xứng tầm với công lao, cống hiến, với những đặc thù của của ngành. Khi những nỗ lực trong quá trình cống hiến của đội ngũ nhà giáo trên cả nước được ghi nhận, họ sẽ có động lực làm việc, niềm phấn khởi trong công việc.

Nhìn rộng hơn, đối với ngành giáo dục, Luật Nhà giáo đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo, thể hiện sự đầu tư cho tương lai của đất nước.

“Một quốc gia muốn vững mạnh thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó mới nâng cao được uy tín, vị thế cạnh tranh, sự thịnh vượng của quốc gia. Tôi cho rằng đây là bước đi khởi đầu, là thời khắc lịch sử rất quan trọng khi đất nước chúng ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Luật Nhà giáo có ý nghĩa hết sức sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhưng đồng thời cũng thể hiện sự đầu tư rất ưu tiên, trọng tâm, những quyết sách rất đúng và trúng để đưa đất nước tới một tương lai tươi sáng và tốt đẹp”, Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành nhấn mạnh.

091120241243-dsc_4152 (1)
Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Nhà giáo nỗ lực đổi mới, sáng tạo hơn trong công việc

Với câu hỏi: “Nhà giáo sẽ được hưởng lợi gì sau khi Luật Nhà giáo được ban hành?”, Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành nhìn nhận, khi những cống hiến, hy sinh, sự tận tụy, tâm huyết, trách nhiệm đối với thế hệ trẻ của nhà giáo được ghi nhận sẽ tạo ra động lực hết sức có ý nghĩa cho nhà giáo nỗ lực đổi mới, sáng tạo hơn trong công việc của mình. Đây là niềm vui lớn lao về mặt giá trị tinh thần đối với các thầy cô.

Bên cạnh đó, các chế độ chính sách hay “ưu đãi” với nhà giáo thực tế là sự ghi nhận, trả công xứng đáng với những cống hiến, đóng góp của đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt, khi Luật Nhà giáo được ban hành, nhà giáo được bảo vệ về uy tín, danh dự, về cả thể chất và tinh thần, xã hội có trách nhiệm bảo vệ nhà giáo. Đó là một môi trường rất an toàn cho nhà giáo làm việc và sáng tạo.

Kiến nghị một số vấn đề để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo hiện cơ bản đáp ứng được các yêu cầu. Tuy nhiên, để tôn vinh, ghi nhận với nhà giáo thì những địa vị pháp lý nên quy định rõ hơn. Đồng thời, những quyền, trách nhiệm và những điều cấm nhà giáo không được làm cũng phải quy định rất rõ ràng và nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành cũng đề xuất cần đi theo hướng tiếp cận “quản trị nhà giáo” thay vì đi theo hướng “quản lý nhà giáo”.

Bởi trên thực tế, các nhà giáo cũng là những công dân thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Đi theo hướng tiếp cận là “quản trị” vừa là cơ chế chính sách, môi trường, động lực để thúc đẩy nhà giáo phát triển cả về thể chất, tinh thần.

“Cần đảm bảo tính tính logic, đồng bộ của toàn bộ các điều luật, tức là nhà giáo được bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm, danh dự. Tiếp cận theo góc quản trị sẽ đáp ứng được yêu cầu này, phát triển đội ngũ nhà giáo được cả về mặt tâm hồn hay về những ý tưởng, hoài bão, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp trồng người; phát triển cả về trí tuệ, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm. Như vậy sẽ toàn diện hơn và đầy đủ hơn”, Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành bày tỏ.

images-2cae99c722739fd7811264aa240390091ab5cc5d95647c70192753896741d39bf8adb7dd44b0bed379cb40163981aa0bea39ac1043f2248250a990e06d9c518c-_vie_7683-1700222235323.jpg
Luật Nhà giáo sẽ có tác động rất lớn, có ý nghĩa rất sâu sắc cho hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Ảnh: Quốc Việt

Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành cũng cho rằng hiện nay, các quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo ngắn và tương đối rõ ràng.

Tuy nhiên ông đề xuất để Luật khi ban hành được triển khai thực sự sâu rộng và hiệu quả, cần có một số quy định, tiêu chí đi kèm cụ thể. Ví dụ, quy định về đạo đức nhà giáo thì phải có bộ quy tắc ứng xử, quy định những việc nghiêm cấm nhà giáo không được làm cũng phải có những tiêu chí, quy định rất rõ. Hay các quy định giúp phát hiện những nhà giáo tài năng cũng cần những tiêu chí cụ thể để triển khai hiệu quả.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 46 điều (giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8).

Việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chỉ quy định những nội dung, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đã được thực tiễn chứng minh tính ổn định; nội dung hướng dẫn chi tiết được cụ thể hóa trong các dự thảo nghị định, thông tư gửi kèm trong hồ sơ dự án Luật Nhà giáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nhà giáo và dự thảo Luật Nhà giáo tiếp tục nhận được sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội. Phiên thảo luận về dự thảo Luật có 25/27 ý kiến phát biểu, có 3 đại biểu tranh luận, 2 đại biểu sẽ gửi ý kiến bằng văn bản đến cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hầu hết các ý kiến phát biểu đều mong muốn Luật Nhà giáo được Quốc hội ban hành sẽ là một trong những đột phá để sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà có bước phát triển bứt phá, góp phần quyết định thành công sự nghiệp đổi mới và mục tiêu của kỷ nguyên mới mà Đảng ta đã xác định.

    Nổi bật
        Mới nhất
        GS.TS Thái Văn Thành: "Khi Luật Nhà giáo được ban hành, thầy cô có môi trường an toàn để làm việc"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO