Phần thưởng cao quý của Chính phủ Pháp
Huân chương Cành cọ Hàn lâm là một trong những phần thưởng cao quý của Chính phủ Pháp, ra đời đầu thế kỷ 19, dưới thời Napoleon I, nhằm vinh danh các cá nhân có những đóng góp lớn trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa nghệ thuật Pháp…
Huân chương được trao cho Giáo sư Nguyễn Hữu Tú ngày 14.10 tại Đại sứ quán Cộng hòa Pháp, trong sự kiện “Đêm hội y dược khoa Pháp ngữ”.
Với cương vị Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo đại học, phụ trách chương trình Pháp ngữ Trường Đại học Y Hà Nội rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú đã có nhiều đóng góp trong việc kết nối, xây dựng các chương trình trao đổi hợp tác, liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường đại học, viện trường uy tín, lâu đời tại Pháp như Đại học Sorbonne, Đại học Y Montpellier, Đại học Y Aix Marseille,…
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam ngài Olivier Brochet nhấn mạnh đến một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của GS Nguyễn Hữu Tú là vai trò của ông trong việc phát triển chương trình đào tạo y khoa Pháp ngữ tại Đại học Y Hà Nội được thành lập vào năm 2005 với sự hợp tác của Tổ chức Đại học Pháp ngữ.
Nhờ tầm nhìn và sự tận tâm của GS Nguyễn Hữu Tú, chương trình này đã trở thành hình mẫu thành công. Đến nay, hơn 800 bác sĩ nói tiếng Pháp đã tốt nghiệp và gần một trăm khóa luận tốt nghiệp y khoa đã được bảo vệ bằng tiếng Pháp trước hội đồng giám khảo quốc tế gồm các giáo sư người Việt và người Pháp.
Ngài Đại sứ cho biết: "Nước Pháp luôn gắn liền với các giá trị hợp tác và chia sẻ kiến thức, việc trao tặng GS Nguyễn Hữu Tú ngày hôm nay Huân chương Cành cọ Hàn lâm chính là sự ghi nhận này mà chúng tôi muốn dành cho ông. Nhờ những nỗ lực của ông, nhiều bác sĩ Việt Nam không chỉ lĩnh hội được chuyên môn kỹ thuật mà còn tiếp thu được những giá trị nhân văn tiêu biểu của nền học Pháp: y đức, lòng nhân hậu và sự nghiêm khắc.
GS Nguyễn Hữu Tú thể hiện đầy đủ tinh thần trao đổi, hợp tác và sự xuất sắc này. Bằng những nỗ lực liên tục của mình, ông đã cho thấy rằng, giáo dục và nghiên cứu không có biên giới, các giá trị của chia sẻ và đoàn kết là trọng tâm của sự tiến bộ trong y tế.
Hôm nay, bằng việc trao tặng ông Huân chương Cành cọ Hàn lâm, chúng ta không chỉ tri ân một người thầy xuất sắc mà còn vinh danh một đại sứ của quan hệ Pháp - Việt. Sự nghiệp của ông thể hiện một cách sinh động tinh thần trao đổi, hợp tác và thành tựu xuất sắc mà Huân chương Cành cọ Hàn lâm là biểu tượng".
Ngài Đại sứ cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất vì sự đóng góp của GS Nguyễn Hữu Tú trong việc đào tạo bác sĩ, trong phát huy Cộng đồng Pháp ngữ và trong hợp tác Pháp - Việt. Đại sứ mong rằng việc tặng thưởng này sẽ góp phần vào tình hữu nghị vững chắc giữa hai nước.
Tại sự kiện, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú chia sẻ, trong 122 năm qua, Trường Đại học Y Hà Nội, với Hiệu trưởng đầu tiên là bác sĩ Alexandre Yersin - nhà bác học lỗi lạc người Pháp, công dân danh dự Việt Nam luôn là biểu tượng lịch sử, sống động và hiệu quả về mối quan hệ và hợp tác y khoa Pháp - Việt.
Được biết, năm 2009, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng và phụ trách chương trình đào tạo y khoa Pháp ngữ của Trường Đại học Y Hà Nội.
Nhận thức về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác Pháp - Việt trong y học, trách nhiệm với các thế hệ sau cũng như lòng biết ơn với những gì đã nhận được từ những người thầy và đồng nghiệp Pháp, 15 năm qua, ông đã cùng lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo, các thế hệ sinh viên không ngừng cố gắng, vượt qua mọi khó khăn để xây dựng và phát triển nhiều hoạt động đào tạo, hợp tác. Từ đó, tạo nên một cơ sở vững chắc cho sự hợp tác và phát triển toàn diện về y học giữa Việt Nam và Pháp.
Trường Đại học Y Hà Nội đã tuyển sinh, đào tạo hơn 1.000 bác sĩ y khoa thuộc chương trình đào tạo bác sĩ y khoa tăng cường tiếng Pháp (chương trình AUF). Hàng năm, có 200 - 300 sinh viên Pháp và Việt Nam được tham gia các chương trình trao đổi ngắn hạn. Trường Đại học Y Hà Nội cũng xây dựng môi trường Pháp ngữ ngay tại trường với câu lạc bộ tiếng Pháp, các cuộc thi hùng biện tiếng Pháp, bảo vệ khóa luận và báo cáo khoa học bằng tiếng Pháp,...
Đến nay, Trường Đại học Y Hà Nội đã phong tặng chức danh giáo sư danh dự cho hơn 30 giáo sư người Pháp; tổ chức các lớp bác sĩ chuyên khoa Pháp ngữ liên trường (DU/DIU), các lớp đào tạo liên tục (EMC), tổ chức trao đổi giảng viên; tổ chức Diễn đàn Y khoa Pháp Việt (la journee franco-vietnamienne en medecine)…
Trường Đại học Y Hà Nội cũng là thành viên tích cực của nhiều mạng lưới các trường đại học Pháp ngữ trên thế giới như CIDMEF, AUFEMO, AUF... Các bác sĩ trẻ Việt nam chuẩn bị lên đường sang làm nội trú tại Pháp, phần lớn là cựu sinh viên của chương trình đào tạo bác sĩ y khoa tăng cường tiếng Pháp tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Bày tỏ sự vinh dự, hạnh phúc khi được nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm cao quý của Chính phủ Pháp, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú chia sẻ, đóng góp của ông còn rất nhỏ bé trong cống hiến của nhiều thế hệ thầy trò Trường Đại học Y Hà Nội cho việc gìn giữ và phát triển mối quan hệ truyền thống y khoa Pháp - Việt.
Ông cũng bày tỏ hy vọng, hợp tác y tế Việt - Pháp ngày càng phát triển và mang lại nhiều thành công mới, giá trị mới.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế chúc mừng GS.TS Nguyễn Hữu Tú đã nhận được phần thưởng danh giá và uy tín này.
"Nhân dịp này, tôi đề xuất GS.TS Nguyễn Hữu Tú và Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng hơn nữa vào quan hệ hợp tác y tế Việt - Pháp thời gian tới”, Thứ trưởng nói.
Thành lập Câu lạc bộ Cựu bác sĩ, dược sĩ học tập tại Cộng hòa Pháp
Cũng tại sự kiện “Đêm hội y dược khoa Pháp ngữ” đã diễn ra lễ ra mắt Câu lạc bộ “Cựu bác sĩ, dược sĩ học tập tại Cộng hòa Pháp”.
Cộng đồng bác sĩ, dược sĩ Pháp ngữ cùng hỗ trợ, phát triển y khoa tại Việt Nam được thành lập xuất phát từ ý tưởng của Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và Trường Đại học Y Hà Nội, cùng sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, với mong muốn tập hợp các bác sĩ, dược sĩ đã và đang học tập, thực tập tại Cộng hòa Pháp từ các chương trình: FFI, sau này là DFMS/A, stagiaire associé, Master, Doctorat…
Câu lạc bộ “Cựu bác sĩ, dược sĩ học tập tại Cộng hòa Pháp” là nơi chia sẻ, cập nhật các thông tin hợp tác y tế Việt - Pháp và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm với nước Pháp. Đồng thời, cùng tạo lập sự gắn kết của các thế hệ bác sĩ, dược sĩ Việt Nam đã học tập và đào tạo tại Pháp; là nền tảng thúc đẩy thế hệ trẻ tiếp tục phát triển và kế thừa truyền thống tốt đẹp trong đào tạo y dược khoa giữa Việt Nam và Pháp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn hoan nghênh việc thành lập Câu lạc bộ và khẳng định đây là dấu mốc vô cùng ý nghĩa trong quan hệ hợp tác Việt - Pháp nói chung và quan hệ hợp tác y tế nói riêng.
“Tôi hy vọng Câu lạc bộ sẽ trở thành một kênh kết nối hiệu quả giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp trong thời gian tới, thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác vốn đã rất tốt trong thời gian qua”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, vừa qua, trong buổi hội đàm của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với Bộ trưởng Bộ Y tế và Tiếp cận chăm sóc Pháp, phía Cộng hòa Pháp đã đề xuất ngành y tế hai nước sẽ thành lập một “Liên minh y tế Pháp - Việt” để tăng cường trao đổi, thúc đẩy hợp tác về y tế. Đây là một bước tiến mới so với việc hình thành và ra mắt Câu lạc bộ “Cựu bác sĩ, dược sĩ học tập tại Cộng hòa Pháp”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế và Tiếp cận chăm sóc Pháp cũng thông tin, tới đây, trong tháng 11.2024, Pháp sẽ khánh thành Viện Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tại thành phố Lyon và mong muốn mời Việt Nam tham gia nhóm “Các người bạn Pháp”.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Câu lạc bộ “Cựu bác sĩ, dược sĩ học tập tại Cộng hòa Pháp”, sau gần 1 tháng thông báo và vận động, tới nay, đã có gần 200 bác sĩ, dược sĩ từng học tập tại Cộng hòa Pháp từ khắp các vùng miền, các cơ quan từ Bộ Y tế, các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện trung ương, địa phương đăng ký tham gia Câu lạc bộ. Hiện nay, danh sách đăng ký vẫn đang được tiếp tục cập nhật.
“Là Chủ tịch câu lạc bộ, tôi mong muốn và kỳ vọng vào sự phát triển hơn nữa trong hợp tác y khoa Pháp - Việt, tăng cường các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, giao lưu giữa các bác sĩ, dược sĩ từng học tập tại Pháp, kết nối các thế hệ vì sự phát triển chung của mối hợp tác này”, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.