Ông Kobakhidze đã đưa ra những bình luận trên trong cuộc gặp với nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell tại Brussels. Được các phóng viên hỏi về yêu cầu của Kiev mở “mặt trận thứ hai” chống lại Nga (ám chỉ Gruzia), ông trả lời rằng đó là một phát biểu đáng tiếc mặc dù Gruzia vẫn luôn ủng hộ Ukraine.
Thủ tướng Kobakhidze nói: “Về các biện pháp trừng phạt, chúng tôi có quan điểm rất rõ ràng về vấn đề này. Chúng tôi không áp đặt các biện pháp trừng phạt và chúng tôi có lý lẽ mạnh mẽ để làm như vậy”, đồng thời giải thích thêm rằng Tbilisi sẽ không để “bị lợi dụng” để phá vỡ các hạn chế của bên thứ ba áp đặt lên Moscow.
Về phần mình, ông Borrell hứa sẽ “chuyển thông điệp tới Ukraine về thiện chí của Gruzia muốn thúc đẩy mối quan hệ tốt nhất có thể giữa hai nước”. Ông cũng hứa sẽ tiếp tục hợp tác với Gruzia, quốc gia vào tháng 12.2023 đã được cấp tư cách ứng cử viên gia nhập EU.
Năm 2022, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Aleksey Danilov đã kêu gọi người Gruzia “đứng lên và bảo vệ đất nước của họ” trước Nga. Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Vladimir Zelensky, Mikhail Podoliak, cũng chỉ trích lập trường của Gruzia, cho rằng “giá trị quan trọng hơn lợi nhuận”.
Trên thực tế, Gruzia đã chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga sau cuộc xung đột quân sự kéo dài 5 ngày vào tháng 8.2008. Nga kể từ đó đã công nhận các khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia của Gruzia là các quốc gia độc lập. Gruzia tiếp tục cáo buộc Nga “chiếm giữ trái phép” nhiều phần lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, Tbilisi vẫn khẳng định rằng việc áp dụng các hạn chế kinh tế nhắm vào Moscow sẽ chỉ dẫn khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn và bất lợi cho tất cả, bao gồm cả EU. Chủ tịch Quốc hội nước này Shalva Papuashvili cho biết vào năm ngoái: “Gruzia không có ý định áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt song phương nào vì lợi ích quốc gia của người dân chúng tôi”. Ông nói thêm rằng Gruzia không mong muốn bất kỳ “leo thang” nào với nước láng giềng phía bắc.