GRDP đã “trị" được bệnh thành tích của địa phương

An Thiện 11/12/2020 20:02

Giai đoạn 2011- 2015, 62/63 tỉnh thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10% (trong khi GDP cả nước thực tế chỉ đạt 5,91%) thì giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 16/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tăng trưởng trên 10%. 5 năm thực hiện Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố đã giúp "trị" bệnh thành tích của các địa phương.

54/63 tỉnh, thành phố đã sử dụng GRDP

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố (GRDP) ngày 11.12, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, trước đây, chỉ tiêu GRDP do Cục Thống kê địa phương biên soạn chưa phản ánh sát thực trạng quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trong một thời gian dài, chênh lệch giữa chỉ tiêu GRDP tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP của cả nước) diễn ra phổ biến và khoảng cách không ngừng nới rộng qua từng năm, thậm chí có năm lên tới 2 con số. Chẳng hạn năm 2011, GDP của cả nước (do Tổng cục Thống kê biên soạn) tăng 6,24% trong khi tăng trưởng của 61 địa phương cao hơn GDP của cả nước, 27 địa phương có tốc độ tăng trên 10%.

Sự không thống nhất này cho thấy chất lượng số liệu thống kê còn nhiều hạn chế, đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác xây dựng, chỉ đạo, điều hành thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. 

Nguyên nhân, theo bà Hương, một là do khó khăn trong việc thu thập thông tin theo nguyên tắc thường trú của Tài khoản quốc gia, dẫn đến có sự tính trùng giữa các địa phương. Hai là, bệnh thành tích của các địa phương. Ba là, đội ngũ công chức, viên chức thống kê chuyên sâu về tài khoản quốc gia của các Cục Thống kê còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Để khắc phục tình trạng này, Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố” do Thủ tướng phê duyệt tháng 5.2015 (gọi tắt là Đề án 715). Sau 5 năm thực hiện Đề án 715 đã đạt được những kết quả nhất định. 

Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê Dương Mạnh Hùng cho biết, nếu giai đoạn 2011- 2015, có 62/63 tỉnh thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân trên 10% (trong khi tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nước thực tế chỉ đạt 5,91%), thì giai đoạn năm 2016-2020 chỉ còn 16/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tăng trưởng GRDP trên 10%.

Theo kết quả của 2 cuộc khảo sát đánh giá thực hiện Đề án, 46/63 Cục Thống kê cho rằng số liệu GRDP phù hợp với quy mô kinh tế của địa phương; 47/63 Cục Thống kê cho rằng phù hợp với tốc độ tăng và 51/63 Cục Thống kê cho rằng phù hợp với cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Có 54/63 tỉnh, thành phố sử dụng số liệu GRDP giai đoạn 2017-2020.

Tuy vậy, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Cần Thơ Lê Ngọc Bảy cho hay, hiện có tình trạng một số hoạt động kinh tế chưa được thu thập đầy đủ. Hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị che dấu một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế chưa thống kê được. Ngoài ra, việc thu thập thông tin đầu vào một số đơn vị đối với Cục Thống kê còn khó khăn, như ước tính các chỉ tiêu thu; thu thuế hải quan; chi ngân sách nhà nước.  

Ứng dụng công nghệ để “truy xuất đầu vào”

Để chỉ tiêu GRDP ngày càng chính xác, đầy đủ, kịp thời, ông Dương Mạnh Hùng đề xuất, các địa phương cần thống nhất sử dụng số liệu GRDP do Tổng cục Thống kê công bố; nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; đồng thời, nghiên cứu thời gian họp phù hợp với thời gian công bố số liệu GRDP.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa  

Về phía các địa phương, ông Lê Ngọc Bảy đề xuất Tổng cục Thống kê cần công bố số liệu GRDP của Tổng cục Thống kê giữa các kỳ (ước tính, sơ bộ, chính thức) để hạn chế sự chênh lệnh với các địa phương; sớm triển khai Đề án thu thập thông tin thống kê các hoạt động kinh tế chưa được quan sát và đưa vào tính GRDP để đảm bảo phản ánh đúng, sát quy mô kinh tế của cả nước và của từng địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho rằng, trong quá trình thu thập, biên soạn cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Trung ương và địa phương; Cần quan tâm tới các yếu tố đặc thù của địa  phương hoặc các yếu tố mới phát sinh chưa cập nhật kịp thời trong biểu mẫu hàng tháng. Sau khi có số liệu thống kê, đề nghị Tổng cục Thống kê công khai nguồn dữ liệu này trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố để có so sánh, quan tâm, học hỏi giữa các tỉnh với nhau.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tới đây, ngành thống kê sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để các sở, ngành gửi thông tin nhanh nhất trên một hệ thống phần mềm cho UBND các tỉnh. Phần mềm đó có thể xem được ngay số liệu tăng trưởng ở tỉnh và số liệu tăng trưởng ở Tổng cục Thống kê là bao nhiêu? Có chênh lệch không? Chênh lệch do đâu?

“Đầu vào như thế nào thì đầu ra như vậy. Đây là công cụ để truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào và gắn trách nhiệm của các sở, ngành cũng như các bộ, ngành và các đơn vị cung cấp thông tin tạo thành sản phẩm đầu ra”, bà Hương nhấn mạnh.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        GRDP đã “trị" được bệnh thành tích của địa phương
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO