Góp ý vào dự thảo Luật Điều ước quốc tế
(ĐBNDO) - Chiều 23.2. Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Điều ước quốc tế.
![]() Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị |
Dự thảo Luật Điều ước quốc tế bao gồm 9 chương, 86 điều, quy định về việc ký kết, bảo lưu, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế.
Góp ý tại hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng, Dự thảo Luật Điều ước quốc tế đã khắc phục được những bất cập của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế năm 2005, đã cụ thể hóa, thể hiện được nhất quán đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi…
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Tư pháp, việc ký kết gia nhập Điều ước quốc tế ngoài những quy định có trong Dự thảo Luật cần phải bảo đảm một số nguyên tắc của Luật ban hành văn bản pháp luật trong đó có nguyên tắc bảo đảm tính minh bạch, công khai và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ký kết gia nhập các điều ước quốc tế. Vì vậy, đại diện Sở Tư pháp đề nghị bổ sung nguyên tắc này vào Điều 3 của dự thảo.
Một số đại biểu cũng cho rằng, Dự thảo Luật chưa đề cập đến vấn đề trưng cầu dân ý trong bối cảnh QH đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân, đặc biệt là những điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh hay hòa bình, đến quyền con người…
Về cơ quan quản lý Nhà nước về điều ước quốc tế, đại diện Hội Luật gia Hà Nội đề nghị bổ sung một khoản quy định cơ quan nào có thẩm quyền giải thích nội dung điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn để bảo đảm thống nhất.
Liên quan đến một số điều ước quốc tế đặc thù, đặc biệt các điều ước quốc tế về vốn ODA, các đại biểu đề nghị Luật cần đưa ra một số quy định theo hướng đơn giản hóa về thủ tục cho việc ký kết các điều ước quốc tế này, góp phần đồng bộ hóa với quy trình phê duyệt khoản vay của cơ quan có thẩm quyền.