Góp ý quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

- Thứ Ba, 02/03/2021, 18:12 - Chia sẻ
Sáng 2.3, Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giao thông – Vận tải tổ chức Hội thảo góp ý quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo.

Tham dự có đại diện Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải; đại diện các Hội Cầu đường Việt Nam, Tổng hội xây dựng Việt Nam, Hội Môi trường giao thông- vận tải, các chuyên gia độc lập...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo  

Theo báo cáo của Bộ Giao thông – Vận tải, Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia được xây dựng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia; đồng bộ với các quy hoạch ngành giao thông – vận tải nhằm phát huy hiệu quả của toàn hệ thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sử dụng hiệu quả quỹ đất, năng lượng và bảo vệ môi trường. Mạng lưới đường sắt quốc gia được phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên tháo gỡ các điểm nghẽn để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có và tập trung đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới theo hướng hiện đại trên các tuyến có nhu cầu vận tải lớn nhằm tạo bước đột phá, tăng cường kết nối cảng biển lớn, cửa khẩu quốc tế, các khu kinh tế, khu công nghiệp...

Báo cáo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030 đặt mục tiêu, đến năm 2030 sẽ phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia đáp ứng nhu cầu vận chuyển 11,8 – 13,9 triệu tấn hàng hóa, 22 – 25 triệu hành khách; tập trung nâng cấp, cải tạo, bảo đảm an toàn các tuyến đường sắt hiện đang khai thác, trong đó ưu tiên các tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, đường sắt kết nối cảng biển. Trong thời kỳ này cũng sẽ hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư và tiến hành xây dựng các đoạn ưu tiên trên tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội – TP Hồ Chí Minh (Hà Nội – Vinh; TP Hồ Chí Minh – Nha Trang). Và, so với các quy hoạch trước, Báo cáo này bổ sung phương án phối hợp đầu tư cảng cạn kết nối với tuyến, ga đường sắt; xem xét thêm phương án kết nối đường sắt Việt Nam – Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài; điều chỉnh một số nội dung tại các khu đầu mối Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tán thành Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời đánh giá cao Bộ Giao thông – Vận tải khi đã đồng thời tiến hành xây dựng 5 quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia, đưa ra kịch bản kết nối các hình thức giao thông, giải quyết các điểm nghẽn giao thông… Các ý kiến cũng tán thành đối tượng quy hoạch mạng lưới đường sắt trong thời kỳ này không bao gồm đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị, song phải quy hoạch phương án kết nối giữa các mạng lưới đường sắt với nhau. Một số ý kiến nhấn mạnh, khi xây dựng quy hoạch này cần chú trọng phân tích quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa từng vùng, thu nhập dân cư, cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế từng địa phương, chuyển dịch dân cư. Nói cách khác, mạng lưới đường sắt cần được quy hoạch dựa trên hiện trạng và dự báo các trung tâm kinh tế, trung tâm dân cư tại các vùng, các địa phương để làm căn cứ kết nối vận chuyển hàng hóa, hành khách cho phù hợp.

Các đại biểu nghe trình bày Báo cáo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050  

Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho rằng, vận tải đường sắt có lịch sử hình thành lâu đời ở nước ta, có vai trò quan trọng vì có khả năng kết nối giữa các phương tiện vận tải khác nhau để hình thành vận tải đa phương thức. Tuy nhiên, mạng lưới đường sắt hiện chưa được quan tâm thích đáng, trong đó mạng lưới đường sắt quốc gia hầu như chưa phát triển thêm được về chiều dài và năng lực, có sự tụt hậu so với vận tải đường bộ và hàng không. Thực trạng này đòi hỏi Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong thời gian tới, tăng cường năng lực hội nhập của nền kinh tế trên cơ sở xây dựng mạng lưới đường sắt hiện đại, tập trung phát triển các hành lang vận tải gắn kết chặt chẽ với các hành lang kinh tế đô thị và nông thôn.

Thanh Hải