Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Luật Thuế giá trị gia tăng được Quốc hội thông qua ngày 3.6.2008, có hiệu lực thi hành từ 1.1.2009. Sau 15 năm thi hành, đây là một trong những đạo luật lớn, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trước quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cùng với những thay đổi, bổ sung mới trong hệ thống pháp luật, bên cạnh những kết quả đạt được, tính đến thời điểm này, một số quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực này, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy tới.
Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế giá trị gia tăng, giúp bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; thu đúng thu đủ và ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.
Về điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, điểm b, khoản 2, Điều 12 dự thảo Luật quy định: “Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 5 triệu đồng”.
Theo các chuyên gia, quy định khống chế mức thanh toán bằng tiền mặt trong khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm tăng cường quản lý thuế và hoàn toàn phù hợp với yêu cầu kiểm soát thị trường tiền mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt cần có các thiết bị, công nghệ, máy điện thoại thông minh, đối với các vùng sâu, vùng xa việc mua sắm nhỏ lẻ bằng tiền mặt đang khá phổ biến. Để có bước chuyển đổi phù hợp, có ý kiến đề xuất, đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa nên để mức 10 triệu đồng.
Đối với phương pháp khấu trừ thuế, dự thảo Luật giữ nguyên như Luật hiện hành, theo đó, phương pháp khấu trừ thuế áp dụng cho cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định pháp luật kế toán, hoá đơn, chứng từ, bao gồm: cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên; cơ sở kinh doanh tự nguyện đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
Một số đại biểu kiến nghị sửa đổi theo hướng phương pháp khấu trừ áp dụng cho các doanh nghiệp theo quy định pháp luật về doanh nghiệp và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ.
Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về những chính sách lớn như: đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; giá tính thuế giá trị gia tăng; căn cứ và phương pháp tính thuế; hoàn thuế với dự án đầu tư; tính thống nhất của dự thảo Luật đối với hệ thống pháp luật...